Đặc phái viên của Mỹ tại NATO: Mỹ không có chính sách thay đổi chế độ ở Nga
Đặc phái viên Hoa Kỳ tại NATO hôm Chủ nhật cho biết Hoa Kỳ không có chính sách thay đổi chế độ ở Nga.
Đây được coi là nỗ lực mới nhất nhằm làm rõ tuyên bố của Tổng thống Joe Biden rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin "không thể tiếp tục nắm quyền".
"Hoa Kỳ không có chính sách thay đổi chế độ ở Nga. Chấm hết", bà Julianne Smith nói với chương trình "State of the Union" của CNN.
Bà Smith nói rằng phát biểu của ông Biden nhằm nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế không thể trao quyền cho ông Putin để tiến hành chiến tranh ở Ukraine hoặc theo đuổi nhiều hành động xâm lược hơn sau cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine.
[Reuters]
Liên Hợp Quốc: Số dân thường Ukraine thiệt mạng tăng lên 1.119 người
Văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm Chủ nhật cho biết 1.119 dân thường đã thiệt mạng và 1.790 người bị thương kể từ khi Nga bắt đầu cuộc tấn công vào Ukraine.
Khoảng 15 bé gái và 32 bé trai, cũng như 52 trẻ em chưa rõ giới tính, nằm trong số những người thiệt mạng, Liên Hợp Quốc cho biết trong một tuyên bố về số thương vong tính từ ngày 24/2 tới 26/3.
Tổ chức này cho biết, con số thương vong thực sự có thể cao hơn đáng kể vì có sự chậm trễ báo cáo thương vong ở một số khu vực đang diễn ra các cuộc xung đột khốc liệt, trong khi nhiều báo cáo vẫn cần xác minh.
[Reuters]
TT Pháp kêu gọi kiềm chế phát ngôn và hành động về Ukraine
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi kiềm chế cả về phát ngôn và hành động trong việc giải quyết cuộc xung đột Ukraine, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả Tổng thống Nga Vladimir Putin là "đồ tể" và không nên tiếp tục nắm quyền.
"Tôi sẽ không sử dụng từ ngữ như vậy vì tôi tiếp tục tổ chức các cuộc thảo luận với Tổng thống Putin", ông Macron nói trên kênh truyền hình France 3.
Phát biểu tại Warsaw, ông Biden nói rằng ông Putin "không thể tiếp tục nắm quyền”. Một quan chức Nhà Trắng sau đó cho biết rằng phát biểu của ông Biden không cho thấy sự thay đổi chính sách của Washington và nhằm chuẩn bị cho các nền dân chủ trên thế giới cho một cuộc xung đột kéo dài, chứ không phải sự thay đổi chế độ ở Nga.
"Chúng tôi muốn ngăn chặn cuộc chiến mà Nga phát động ở Ukraine mà không gây leo thang - đó là mục tiêu", ông Macron nói trên kênh France 3, đồng thời lưu ý mục tiêu là đạt được lệnh ngừng bắn và rút quân thông qua các biện pháp ngoại giao.
Ông nói: “Nếu đây là những gì chúng ta muốn làm, chúng ta không nên leo thang mọi thứ - cả phát ngôn hay hành động”.
Tổng thống Pháp hôm thứ Sáu cho biết ông đang tìm cách tổ chức thêm các cuộc hội đàm với Tổng thống Putin trong những ngày tới liên quan đến tình hình Ukraine cũng như một sáng kiến giúp người dân rời khỏi thành phố Mariupol hiện bị bao vây.
Ứng cử viên tổng thống Pháp thuộc phe cực hữu Marine Le Pen cho biết bà ủng hộ cách tiếp cận của ông Macron.
"Rõ ràng, đó là những lời nói đổ thêm dầu vào lửa", bà nói khi được hỏi về phát biểu của ông Biden.
"Thực tế là tổng thống của Cộng hòa [Pháp] không tham gia vào sự leo thang này là một điều tốt đẹp”, bà nói trên kênh France 3 trong một cuộc phỏng vấn được thu hình trước khi được phát sóng vào Chủ nhật.
[Reuters]
Khu vực ly khai ở Ukraine có thể sắp trưng cầu dân ý để gia nhập Nga
Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine có thể sắp tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga, hãng tin của khu vực ly khai này dẫn lời lãnh đạo địa phương Leonid Pasechnik cho biết hôm Chủ nhật 27/3.
"Tôi nghĩ rằng trong tương lai gần một cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức trên lãnh thổ của nước cộng hòa," ông Pasechnik nói. "Người dân sẽ thực hiện quyền hiến định tối thượng của mình và bày tỏ ý kiến về việc gia nhập Liên bang Nga."
Tháng trước, Nga đã công nhận độc lập các nước cộng hòa tự xưng Luhansk và Donetsk là và ra lệnh thực hiện cái mà họ gọi là chiến dịch gìn giữ hòa bình trong khu vực ngay sau đó.
(Reuters)