Ông Biden nói cần loại Nga ra khỏi G20
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông nghĩ rằng loại Nga ra khỏi Nhóm 20 nền kinh tế lớn, tức G20 và chủ đề này đã được nêu ra trong các cuộc họp của ông với các nhà lãnh đạo thế giới tại Brussels hôm 24/3.
“Câu trả lời của tôi là có, tuỳ thuộc vào G20,” ông Biden nói khi được hỏi liệu Nga có nên bị loại khỏi nhóm hay không.
Ông Biden cũng nói rằng nếu các quốc gia như Indonesia và các nước khác không đồng ý với việc bỏ Nga, thì theo quan điểm của ông, Ukraine nên được phép tham dự các cuộc họp của khối.
(Reuters)
Việt Nam bỏ phiếu trắng cho Nghị quyết LHQ lên án Nga gây thảm hoạ nhân đạo ở Ukraine
Gần 3/4 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm thứ Năm 24/3 yêu cầu bảo vệ thường dân ở Ukraine và cho phép cứu trợ tiếp cận, đồng thời lên án Nga đã gây ra một tình huống nhân đạo "thảm khốc" khi Moscow xâm lược nước láng giềng Ukraine bắt đầu cách nay một tháng.
Đây là lần thứ hai Đại hội đồng gồm 193 thành viên đã cô lập Nga với tỉ lệ áp đảo về cái mà Moscow gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres quyết liệt lên án "cuộc chiến phi lý" của Nga.
Nghị quyết do Ukraine và các đồng minh soạn thảo được thông qua hôm thứ Năm với 140 phiếu ủng hộ, 5 phiếu chống là Nga, Syria, Triều Tiên, Eritrea và Belarus, và 38 quốc gia bỏ phiếu trắng, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.
Ukraine và các đồng minh mưu tìm sự ủng hộ tương đương hoặc cao hơn mức độ ủng hộ cho nghị quyết của Đại hội đồng ngày 2 tháng 3 đã lên án cuộc xâm lăng của Nga và yêu cầu Moscow rút quân ra khỏi Ukraine. Nghị quyết ngày 2/3 đã nhận được 141 phiếu thuận, cùng năm phiếu chống, và 35 phiếu trắng, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.
(Reuters)
NATO giúp Ukraine chuẩn bị chống vũ khí hóa học của Nga
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự đang tăng cường khả năng phòng thủ chống lại vũ khí hóa học và hạt nhân vì lo ngại Nga có thể sử dụng các loại vũ khí đó trong cuộc xâm lược Ukraine.
Ông Stoltenberg nói rằng các nhà lãnh đạo NATO đã đồng ý tại hội nghị thượng đỉnh của họ hôm thứ Năm 24/3 sẽ gửi thiết bị đến Ukraine để giúp bảo vệ nước này trước một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học.
“Điều này có thể bao gồm thiết bị phát hiện, bảo vệ và hỗ trợ y tế, cũng như đào tạo về khử nhiễm và quản lý khủng hoảng,” ông nói với các phóng viên sau cuộc họp tại Brussels.
(Theo AP)