Các nước phương Tây muốn loại Nga khỏi G20
Mỹ và các đồng minh phương Tây đang đánh giá liệu Nga có nên ở lại trong nhóm các nền kinh tế lớn G20 sau cuộc xâm lược Ukraine hay không, các nguồn tin tham gia thảo luận vấn đề này nói với Reuters hôm 22/3.
Có khả năng là bất kỳ nỗ lực nào loại trừ Nga hoàn toàn sẽ bị các nước khác phủ quyết – trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập Xê-út, các nguồn tin cho biết.
“Đã có những bàn bạc về liệu có phù hợp để Nga nằm trong G20 hay không,” một nguồn tin cấp cao trong G7 nói với Reuters. “Nếu Nga vẫn là thành viên, G20 sẽ trở thành một tổ chức bớt đi tính hữu dụng.”
Một nguồn tin của Liên minh châu Âu đã xác nhận là có sự bàn bạc về quy chế thành viên của Nga tại các cuộc họp sắp tới của G20 mà chức chủ tịch luân phiên hiện do Indonesia nắm giữ.
“Indonesia đã được nói rất rõ rằng sự hiện diện của Nga tại các cuộc họp cấp bộ trưởng sắp tới sẽ hết sức khó chịu đối với các nước châu Âu,” nguồn tin này cho biết.
Nguồn tin của G7 cho biết không có khả năng Indonesia, hoặc các thành viên như Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Trung Quốc sẽ đồng ý loại Nga khỏi G20.
(Reuters)
Phóng viên nhà nước Nga nghỉ việc để phản đối ‘tuyên truyền’ và ‘dối trá’
Zhanna Agalakova, gương mặt quen thuộc đối với các hộ gia đình Nga qua hai thập kỷ làm phóng viên thường trú ở New York và Paris, hồi đầu tháng này đã tuyên bố rời Đài Pervy Kanal (Kênh Một) do cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Phát biểu trước công chúng lần đầu tiên kể từ khi bỏ việc, bà Agalakova nói tại một cuộc họp báo ở Paris do Tổ chức Nhà báo không biên giới (RSF) tổ chức rằng bà không còn dính vào ‘những lời dối trá’ và ‘thao túng’ của đài truyền hình nhà nước Nga.
Gương mặt nghẹn ngào nước mắt, Agalakova cho biết bà đã băn khoăn rất nhiều trước khi lên tiếng trước công chúng nhưng sau đó quyết định ‘không còn lựa chọn nào khác’.
Agalakoa, thừa nhận bà đã ‘thỏa hiệp nhiều trong sự nghiệp của mình’ nhưng bà mô tả cuộc xâm lược Ukraine là ‘lằn ranh đỏ’.
Bà chỉ trích truyền thông nhà nước Nga đã lặp đi lặp lại lời mô tả các đối thủ củaNga ở Ukraine là ‘Quốc xã’, một cách gọi gây khủng hoảng thần kinh người dân ở một quốc gia vẫn còn in hằn những đau thương trong Đệ nhị Thế chiến.
“Ở Nga, khi chúng tôi nghe thấy từ ‘Quốc xã’, chúng tôi chỉ có một phản ứng - hủy diệt. Đó là sự thao túng, lời nói dối lớn”.
(AFP)
Sức kháng cự của Ukraine chặn đứng đà tiến của quân Nga
Hôm 22/3, quân Ukraine đã đẩy lùi quân Nga khỏi vùng ngoại ô Makariv của Kyiv sau một trận chiến ác liệt, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết. Lãnh thổ giành lại được cho phép các quân Ukraine lấy lại quyền kiểm soát một tuyến đường cao tốc trọng yếu và ngăn quân Nga bao vây Kyiv từ hướng tây bắc.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết quân Nga đã chiếm một phần các vùng ngoại ô tây bắc khác bao gồm Bucha, Hostomel và Irpin, vốn đã bị tấn công liên tục gần như kể từ khi Nga mở màn cuộc xâm lược.
Một quan chức phương Tây giấu tên cho AP biết sự kháng cự của Ukraine đã chặn được phần lớn bước tiến của Nga nhưng không khiến lực quân Nga rút lui.
Khi được hỏi trên CNN về những gì Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đạt được ở Ukraine, phát ngôn nhân Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Vâng, trước hết, chưa. Ông ấy vẫn chưa đạt được.” Nhưng ông Peskov nhấn mạnh chiến dịch quân sự của Nga đang diễn ra ‘đúng theo kế hoạch và mục tiêu đưa ra từ trước’.
(AP)
Hãng dầu khí Pháp Total ngưng mua dầu từ Nga
Tập đoàn năng lượng khổng lồ TotalEnergies của Pháp cho biết họ đã quyết định ngừng tất cả các giao dịch mua dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ của Nga chậm nhất là vào cuối năm 2022.
Hãng dầu Pháp cho biết trong một thông báo rằng họ sẽ ‘dần dần đình chỉ các hoạt động ở Nga’ trong bối cảnh ‘tình hình tồi tệ hơn’ ở Ukraine.
Nga chiếm 17% sản lượng dầu và khí đốt của công ty vào năm 2020.
TotalEnergies nắm giữ 19,4% cổ phần của hãng sản xuất khí đốt tự nhiên Nga Novatek.
Hãng cũng nắm 20% cổ phần trong dự án Yamal LNG ở miền bắc nước Nga. Hãng này cho biết họ tiếp tục cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu từ nhà máy LNG Yamal ‘chừng nào các chính phủ châu Âu vẫn cho rằng họ vẫn khí đốt của Nga’.
(AP)