Hạ viện Mỹ thông qua 13,6 tỷ đô la viện trợ cho Ukraine
Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ Tư 9/3 đã bỏ phiếu khẩn cấp thông qua khoản viện trợ 13,6 tỷ đô la cho Ukraine trong lúc nước này đang chiến đấu chống quân Nga xâm lược.
Viện trợ cho Ukraine nhằm giúp nước này củng cố quân đội và hỗ trợ nhân đạo cho người dân, bao gồm ước tính khoảng 1,5 triệu người tị nạn đang chạy ra nước ngoài.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ám chỉ rằng 13,6 tỷ đô la có thể chỉ là phần nổi của một nỗ lực viện trợ lớn hơn nhiều.
Bà Pelosi nói với các phóng viên tại cuộc họp báo hàng tuần rằng: “Tất cả chúng ta sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa” để giúp Ukraine trong những tuần hoặc tháng sắp tới và trong dài hạn để giúp đất nước này xây dựng lại.
Bà Pelosi chủ yếu đề cập đến Hoa Kỳ và các đồng minh NATO.
(Reuters)
Nga có thể không trả lại máy bay thuê, trả tiền thuê bằng đồng rúp
Chính phủ Nga có kế hoạch ra lệnh cho các hãng hàng không địa phương trả tiền thuê máy bay bằng đồng rúp và cấm họ trả máy bay lại cho các công ty nước ngoài nếu họ hủy hợp đồng thuê, theo dự thảo luật được công bố hôm thứ Năm 10/3.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm đáp trả việc Nga xâm lược Ukraine đã buộc các hãng hàng không Nga phải ngưng các chuyến bay quốc tế vì lo rằng máy bay của họ sẽ bị bắt giữ ở nước ngoài.
Các biện pháp trừng phạt cũng đã đóng băng phần lớn dự trữ ngoại hối của Nga và buộc Moscow phải tìm cách hạn chế dòng ngoại tệ chảy ra nước ngoài.
Theo luật do Bộ Giao thông vận tải soạn thảo, các hãng hàng không Nga sẽ trả tiền thuê máy bay của họ bằng đồng rúp trong suốt năm 2022.
Nếu bên cho thuê nước ngoài chấm dứt hợp đồng thuê, một ủy ban đặc biệt của chính phủ sẽ quyết định liệu máy bay có thể được trả lại hay không; uỷ ban đó có thể quy định giữ máy bay lại ở Nga.
(Reuters)
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cấm nhập khẩu dầu của Nga
Hạ viện Hoa Kỳ đã phê chuẩn với tỉ lệ áp đảo luật cấm nhập khẩu dầu của Nga, một nỗ lực nhằm đưa vào luật những biện pháp hạn chế mà Tổng thống Joe Biden đã công bố để đáp lại cuộc chiến của Nga đang leo thang ở Ukraine.
Đi xa hơn lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, dự luật được thông qua tại Quốc hội cũng sẽ khuyến khích việc xem xét lại vị thế của Nga trong Tổ chức Thương mại Thế giới và báo hiệu sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Nga vi phạm nhân quyền, trong lúc Hoa Kỳ tiếp tục nỗ lực tìm cách cô lập kinh tế Nga.
Các nhà lập pháp của cả hai đảng đã háo hức hành động, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm giá nhiện liệu tăng cao trong nước, thể hiện sự ủng hộ của lưỡng đảng Hoa Kỳ đối với Ukraine. Đạo luật được thông qua hôm Thứ Tư 9/3 với tỉ lệ 414-17, và được chuyển lên Thượng viện.
Nghị sĩ Dân chủ Lloyd Doggett của bang Texas, người đã giúp soạn thảo dự luật, thừa nhận rằng phải tốn nhiều tiền hơn để đổ đầy bình xăng cho xe ở nhà là để chặn xe tăng của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở nước ngoài.
Ông Doggett nói trong cuộc tranh luận: “Đó là một cách để thể hiện tình đoàn kết của chúng ta.”
(AP)
Mỹ cảnh báo Nga toan tính sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học ở Ukraine
Chính phủ Hoa Kỳ công khai cảnh báo rằng Nga có thể đang tìm cách sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học ở Ukraine, sau khi Moscow cáo buộc mà không có bằng chứng rằng Ukraine có phòng thí nghiệm vũ khí hóa học.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki gọi cáo buộc của Nga là "phi lý" và cho biết đây có thể nằm trong một âm mưu của Nga nhằm tạo cơ sở để sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt như vậy để tấn công Ukraine.
Bà Psaki nói: “Tất cả đây là một âm mưu rõ ràng của Nga nhằm cố biện minh cho mưu đồ mở rộng cuộc tấn công xâm lược Ukraine được tính toán trước, không có lý do và phi lý của họ.”
“Nay Nga đưa ra những cáo buộc vô căn cứ như vậy và Trung Quốc dường như tán thành tuyên truyền đó, tất cả chúng ta cần cảnh giác Nga có thể sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học ở Ukraine hoặc nguỵ tạo một cái cớ để sử dụng chúng.”
Trước đây, Nga đã sử dụng vũ khí hóa học để thực hiện các vụ ám sát nhằm vào những kẻ thù của Putin như Alexey Navalny và cựu điệp viên Sergei Skripal. Moscow cũng hỗ trợ chế độ Assad ở Syria sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân của mình trong cuộc nội chiến kéo dài một thập kỷ qua.
(AP)