Quân đội Nga hôm 25/2 tuyên bố họ mới giành quyền kiểm soát một sân bay ở ngay ngoại ô thủ đô Kyiv, giữa lúc các lực lượng Nga gây áp lực lên thủ đô Ukraine.
Thông tin kể trên chưa thể kiểm chứng độc lập được.
Nắm quyền kiểm soát sân bay ở Hostomel, nơi có đường băng dài cho phép máy bay vận tải hạng nặng hạ cánh, cũng đồng nghĩa với việc Nga có thể không vận binh lính trực tiếp đến vùng ngoại ô của Kyiv.
Hostomel chỉ cách thành phố có 7 km về phía tây bắc.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết hôm thứ Sáu 25/2 rằng lực lượng đổ bộ đường không Nga đã sử dụng 200 trực thăng hạ cánh xuống Hostomel và giết chết hơn 200 binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt của Ukraine.
Konashenkov khẳng định phía quân Nga không có thương vong. Điều này trái ngược với tuyên bố của Ukraine rằng quân Nga đã chịu thương vong nặng nề trong các cuộc giao tranh ở đó.
(AP)
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc điện đàm hôm thứ Sáu 25/2 rằng Nga sẵn sàng tổ chức hội đàm cấp cao với Ukraine, kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin.
Theo CCTV, ông Putin nói với ông Tập: “Hoa Kỳ và NATO từ lâu đã làm ngơ những quan ngại chính đáng về an ninh của Nga, liên tục từ chối cam kết và tiếp tục đẩy mạnh triển khai quân sự về phía đông, thách thức lợi ích chiến lược căn bản của Nga”.
Song ông Putin cũng nói thêm rằng: "Nga sẵn sàng tiến hành các cuộc hội đàm cấp cao với Ukraine".
(Reuters)
Liên Hiệp Quốc cấp ngân quỹ 20 triệu đô la viện trợ nhân đạo cho Ukraine, và dự kiến EU cũng sẽ cấp khoản viện trợ kinh tế trị giá 1,5 tỷ euro (1,68 tỷ đô la) cho Ukraine.
Nhật Bản, châu Âu, Úc, Đài Loan và các nước khác đang áp dụng một loạt các biện pháp trừng phạt mới, mạnh mẽ hơn chống Nga.
Đồng thời, nhiều lãnh đạo cấp cao nhất của các nước đã và đang lên án Nga.
Vào lúc binh lính Nga tràn vào và bom đạn Nga dội xuống Ukraine trong ngày đầu tiên của cuộc xâm lược, các nhà lãnh đạo thế giới hôm Sáu 25/2 gọt giũa phản ứng của họ nhằm trừng phạt nền kinh tế Nga và các nhà lãnh đạo nước này, bao gồm cả những người thân tín của Tổng thống Vladimir Putin.
Tuy các nước nhận thức rõ ràng rằng khó có thể can thiệp quân sự, song hiện tại, sức mạnh, sự thống nhất và tốc độ của các biện pháp trừng phạt tài chính báo hiệu một quyết tâm ngày càng tăng trên toàn cầu nhằm khiến Moscow phải cân nhắc lại cuộc xâm lược của họ.
Không tham gia các biện pháp trừng phạt là Trung Quốc, một nước ủng hộ Nga mạnh mẽ.
(AP)
Hôm thứ Sáu 25/2, Trung Quốc vẫn giữ nguyên quan điểm của họ, từ chối gọi hành động của Nga ở Ukraine là một "cuộc xâm lược" hoặc chỉ trích Moscow mặc dù quân Nga đang đẩy mạnh các cuộc tấn công ở Ukraine, đang dẫn đến thương vong ngày càng tăng.
Trung Quốc nhắc lại rằng họ tin tưởng vào việc phải tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, nhưng cũng nói thêm rằng họ hiểu là vấn đề Ukraine có bối cảnh lịch sử phức tạp và đặc thù.
"Chúng tôi hiểu những lo ngại chính đáng của Nga về các vấn đề an ninh", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Wang Wenbin nói với các phóng viên tại cuộc báo hàng ngày ở Bắc Kinh hôm 25/2.
Ông Wang cũng phản bác lại phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng bất kỳ quốc gia nào ủng hộ cuộc xâm lược của Nga sẽ bị "nhơ bẩn vì sự liên kết đó", đồng thời ông Wang cho rằng chính những quốc gia can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác mới bị mất uy tín.
Mỹ, Anh, Nhật Bản, Canada, Úc và EU đã công bố thêm các biện pháp trừng phạt đối với Moscow cùng với các hình phạt đã áp dụng hồi đầu tuần này, bao gồm động thái của Đức nhằm ngăn chặn đường ống dẫn khí trị giá 11 tỷ đô la có điểm đầu là Nga.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có chuẩn bị tăng mua dầu của Nga để đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU hay không, ông Wang nói: "Các biện pháp trừng phạt chưa bao giờ là một cách hiệu quả để giải quyết vấn đề. Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có thể làm việc tích cực để giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn". (Reuters)