Nga: Bầu cử Mỹ là cuộc tranh tài giữa ‘những người không thích Nga nhất’
Đối với Nga, cuộc bầu cử ở Mỹ giống như một cuộc tranh tài giữa “những người không thích Nga nhất”, AP dẫn lời người phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là rất thất vọng với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không thực hiện lời hứa về việc hàn gắn mối quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden cũng không mang lại nhiều hy vọng cho Điện Kremlin.
Trong ngày cử tri Hoa Kỳ đi bỏ phiếu chọn lãnh đạo, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói với hãng thông tấn RIA rằng Nga sẽ “tôn trọng bất kỳ lựa chọn nào của người dân Mỹ và sẵn sàng hợp tác một cách xây dựng”, nhưng nói thêm rằng Moscow “rất thực tế” trong việc đánh giá triển vọng mối quan hệ song phương, theo Reuters.
Bán đảo Triều Tiên
Đối với cả Triều Tiên và Hàn Quốc, số phận của các cuộc đàm phán hạt nhân là điều quan trọng hàng đầu khi hai nước đang theo dõi cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán đang rơi vào bế tắc, cuộc bầu cử Mỹ có thể có ảnh hưởng rất lớn đến việc Triều Tiên có tiếp tục theo đuổi kho vũ khí với mục tiêu nhắm vào nước Mỹ và các đồng minh của Mỹ hay không.
Ba hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un kể từ năm 2018, mà Hàn Quốc là trung gian, đã tạm làm dịu căng thẳng. Nhưng các cuộc đàm phán hiện đang bị đình trệ.
Một số chuyên gia cho rằng nếu Tổng thống Trump tái đắc cử, Triều Tiên sẽ cố gắng nối lại các hội nghị thượng đỉnh.
Trong khi đó, đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden, người từng bị truyền thông nhà nước Triều Tiên gọi là “con chó dại” sau khi ông cáo buộc ông Trump bắt tay với các nhà độc tài, lại tán thành cách tiếp cận bằng cách bắt đầu từ các cuộc họp giữa các quan chức cấp thấp hơn. Ông cũng yêu cầu Triều Tiên thể hiện thiện chí thực sự trong việc từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Một số nhà phân tích cho rằng Triều Tiên có thể sẽ cố gắng gây áp lực với chính quyền Biden bằng cách nối lại các vụ thử đầu đạn hạt nhân và tên lửa tầm xa mà Triều Tiên đã tạm dừng trong quá trình ngoại giao với ông Trump. Trong một cuộc duyệt binh gần đây ở Bình Nhưỡng, lãnh đạo Kim Jong Un đã tiết lộ một loạt vũ khí mới, bao gồm loại giống như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lớn nhất của Triều Tiên.
Trung Quốc
Quốc gia đang trải qua mối quan hệ “đầy sóng gió” với Hoa Kỳ trong thời điểm này vì nhiều bất đồng là Trung Quốc chắc chắn sẽ chịu nhiều tác động từ kết quả bầu cử của Mỹ.
Mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chính thức gặp trắc trở kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chức, và đây cũng là tiền đề và trọng tâm trong quan điểm về chính sách đối với Trung Quốc trong cuộc bầu cử Hoa Kỳ.
Mặc dù ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden hoàn toàn không mang lại sự đảm bảo nào về khả năng sẽ nhẹ tay với Trung Quốc, nhưng theo AP, Bắc Kinh vẫn hy vọng sẽ tránh được tình trạng ngày càng xấu đi và các cuộc đàm phán thương mại có thể cân bằng hơn.
Trong khi đó, chính quyền Trump thời gian qua đã đưa ra nhiều biện pháp để giải quyết những lo ngại lâu nay về gián điệp thương mại Trung Quốc, tình trạng cưỡng ép chuyển giao công nghệ và trợ cấp nhà nước đối với các công ty Trung Quốc.
Ông Trump cũng đã thông qua các biện pháp áp thuế mạnh tay vào hàng hoá Trung Quốc kể từ năm 2018 và thắt chặt kiểm soát đối với việc mua chip máy tính và các linh kiện công nghệ cao khác của Trung Quốc vào năm ngoái. Điều này có thể cản trở tham vọng trở thành quốc gia đứng đầu toàn cầu về công nghệ tiên tiến của Trung Quốc.
Một số người dân Trung Quốc nói với AP rằng họ tin ông Joe Biden sẽ làm dịu những căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ - Trung nếu ông đắc cử.