Nga cho biết họ sẽ đáp lại điều mà họ gọi là "thông tin tuyên truyền ráo riết" của phương Tây bằng một dịch vụ cung cấp tin tức mới có tên là Sputnik.
Báo Wall Street Journal cho biết Moscow sẽ bỏ ra 140 triệu USD trong năm sau cho Sputnik. Website tiếng Anh của Sputnik cho biết sẽ phát sóng qua radio, trên mạng Internet và trực tiếp đến điện thoại di động, để "cung cấp một cách nhìn nhận khác về thế giới."
Các giám đốc điều hành của dịch vụ tin tức mới này cho biết họ sẽ mở văn phòng tại Washington và 29 thành phố khác trên toàn thế giới, với nhân viên từ 30 đến 100 người ở mỗi nơi.
Sputnik dường như được đặt theo tên vệ tinh nhân tạo đầu tiên bay vào quỹ đạo trái đất, do Liên Xô phóng lên hơn 50 năm trước. Nỗ lực truyền thông mới này của Nga sẽ bổ trợ cho RT, đài truyền hình quốc tế của điện Kremlin.
Sputnik mô tả mình là "một thương hiệu truyền thông lớn mới" và "có vị thế độc nhất là nơi cung cấp những nội dung tin tức thay thế." Một tuyên bố dài về mục đích thành lập trên website chính của Sputnik không đề cập đến Nga ở bất kỳ mặt nào.
Trong một diễn biến khác, đài truyền hình tin tức CNN của Mỹ cho biết kênh tin tức 24 giờ của họ sẽ không còn phát sóng ở Nga nữa. CNN cho biết việc nhà nước tăng cường kiểm soát đối với truyền thông mới trong nước Nga là lý do chính đưa đến quyết định này.
Hoạt động phát thanh truyền hình ở nước ngoài của Nga dựa trên nội dung được cung cấp bởi hãng tin Rossiya Segodnya, thành lập chưa đầy một năm trước, khi hãng tin RIA Novosti đột ngột đình chỉ tất cả các hoạt động bên ngoài nước Nga. Sputnik thay thế Đài Tiếng Nói Nước Nga, vốn đã chấm dứt hoạt động ở nước ngoài.
Rossiya Segodnya được lãnh đạo bởi Dmitry Kiselev, một xướng ngôn viên truyền hình Nga gây nhiều tranh cãi, nổi tiếng vì hăng hái ủng hộ những chính sách của điện Kremlin và quan điểm chỉ trích gay gắt phương Tây của ông ta, gợi nhớ về thế đối đầu thời Chiến tranh lạnh.
Trong một thông cáo chỉ trích Mỹ do Sputnik đăng lên hôm thứ Hai, ông Kiselev tuyên bố: "Có những nước áp đặt ý chí của mình lên cả phương Tây và phương Đông. Bất cứ nơi nào họ can thiệp thì theo sau là cảnh đổ máu, nội chiến và những cuộc cách mạng màu, khiến cả nước lụn bại. Có thể kể tới một số ít nước như Iraq, Libya, Gruzia, Ukraine, Syria."