Đường dẫn truy cập

Nga – Mỹ vẫn bế tắc về Syria


Tổng thống Nga Vladimir Putin, trái, và Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Hàng Châu, Trung Quốc, 5/9/2016.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, trái, và Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Hàng Châu, Trung Quốc, 5/9/2016.

Trong ngày thứ hai liên tiếp, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và người đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov hôm nay, 5/9, vẫn không thể nhất trí về một thỏa thuận ngưng bắn ở Syria để mở đường cho hàng cứu trợ tới được thêm nhiều người dân tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá nhiều năm qua này.

Hai nhà ngoại giao hàng đầu của Nga và Mỹ gặp nhau ở Hàng Châu, Trung Quốc, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G20 với sự tham gia của nguyên thủ nhiều nước.

Nếu đạt được lệnh ngưng bắn với sự đồng thuận của chính phủ Syria, một đồng minh của Nga, và các phiến quân được Hoa Kỳ hậu thuẫn, thì nó sẽ hỗ trợ nhiều triệu người Syria hiện cần lương thực và thuốc men.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin cũng gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh ở Hàng Châu hôm 5/9. Tuy nhiên, chi tiết nội dung thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo này chưa được công bố.

Một ngày trước đó, 4/9, hai nước dường như đã tiến gần tới một thỏa thuận, nhưng các trở ngại lớn vẫn còn.

Trao đổi với các phóng viên hôm 4/9, ông Obama nói: “Chúng tôi vẫn còn các khác biệt lớn với phía Nga, không những liên quan tới các bên chúng tôi ủng hộ mà còn về tiến trình cần thiết để mang lại hòa bình cho Syria”.

Một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Nga đã rút lui trong một số vấn đề mà Washington cho là đôi bên đã đạt đồng thuận.

Tổng thống Nga Putin được trích lời nói rằng cuộc xung đột ở Syria chỉ có thể được giải quyết thông qua đàm phán chính trị.

Moscow ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhưng Hoa Kỳ lại hợp tác với các thế lực đối lập ôn hòa đang chiến đấu chống lại ông này.

Tổng thống Obama nói thêm: “Nếu chúng tôi không nhận được sự nhượng bộ từ phía Nga nhằm giảm bớt bạo lực và làm dịu bớt cuộc khủng hoảng nhân đạo, thì khó có thể bước tiếp”.

Người dân xem xét một tòa nhà bị hư hại sau các cuộc không kích vào một khu vực của phe nổi dậy ở Aleppo, Syria, 27/8/2016.
Người dân xem xét một tòa nhà bị hư hại sau các cuộc không kích vào một khu vực của phe nổi dậy ở Aleppo, Syria, 27/8/2016.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói rằng hai bên gần đạt tới một thỏa thuận, và rằng đôi bên đang thảo luận các vấn đề quan trọng nhất liên quan tới việc thực thi một lệnh ngưng bắn. Ông Ryabkov được trích lời nói rằng “cho tới khi nào chúng tôi đặt nền móng cuối cùng, chúng tôi không thể nói đã đạt được các kết quả”.

Các quan chức quân sự Mỹ và Nga đã thương thảo với nhau suốt nhiều tuần qua về các điều khoản của thỏa thuận. Các thỏa thuận ngưng bắn trước đây không kéo dài lâu vì hai bên hậu thuẫn các nhóm khác nhau trong cuộc chiến kéo dài suốt 5 năm qua.

Trong khi dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc, ông Obama cũng tận dụng cơ hội để gặp riêng với các nhà lãnh đạo khác, như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Ngoài việc thảo luận về âm mưu đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ, đôi bên cũng trao đổi về tình hình ở Syria, quốc gia láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Obama nói: “Tổng thống Erdogan và tôi cũng đã đồng ý tiếp tục tìm giải pháp cho một cuộc chuyển tiếp chính trị hòa bình ở Syria, và đó là cách lâu bền duy nhất để chấm dứt cuộc nội chiến tệ hại tại đó. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục cùng nhau làm dịu bớt nỗi thống khổ của người dân, đảm bảo rằng thường dân Syria sẽ lại có thể sống an bình, và rằng chúng tôi có thể ổn định toàn bộ khu vực”.

Cuộc nội chiến ở Syria đã làm hơn 250 nghìn người thiệt mạng, làm hơn 10 triệu người rơi vào cảnh phải rời bỏ nhà cửa đồng thời dẫn tới cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Trung Đông và châu Âu. Ngoài ra, cuộc xung đột cũng tạo điều kiện cho các nhóm chiến binh Hồi giáo trỗi dậy.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG