Những sự nghi ngại của Mỹ về hoạt động của Nga ở Syria không chỉ giới hạn bên trong biên giới Syria. Theo tường thuật của thông tín viên Jeff Seldin của đài VOA tại Ngũ giác đài, các giới chức ở Washington e rằng những hành động đó là một phần trong chiến lược của Moscow nhằm nới rộng ảnh hưởng và tìm cách đối trọng với Mỹ ở Trung Đông.
Các giới chức Mỹ đang kiểm chứng những báo cáo cho rằng Nga đang đưa tiếp liệu – và có thể là phái cố vấn và binh lính, đến giúp chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Theo những báo cáo đó, nhiều chuyến hàng tiếp liệu đã được vận chuyển bởi hải quân Nga, và trong một số trường hợp, các chiếc tàu của Nga đã chở tới Syria những chiếc quân xa hạng nặng.
Hôm thứ ba, một giới chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cho đài VOA biết rằng Nga cũng dùng máy bay để chở tiếp liệu quân sự cho Syria và họ nói rằng hành động như vậy là “không có ích.”
Giới chức này cho biết những ý đồ của Nga, cả ở Syria lẫn ở vùng Trung Đông, hiện vẫn chưa rõ ràng.
Ông nói “Có rất nhiều việc để lo lắng. Những nỗ lực của họ ở đó nên có ích cho sự ổn định, chứ không gây phương hại cho sự ổn định.”
Moscow và Damascus đã phủ nhận cáo giác về sự hiện diện quân sự ngày càng nhiều của Nga ở Syria. Bộ trưởng Thông tin Syria, ông Omran al-Zoubi, nói với một đài truyền hình của nhóm hiếu chiến Hezbollah ở Li Băng rằng những báo cáo đó là do “tình báo Tây phương’ bịa ra.
Những diễn tiến đáng lo ngại
Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo hôm thứ ba (ngày 8 tháng 9), phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói rằng những mối quan tâm của Mỹ xuất phát từ “những sự việc mà chúng tôi mới phát giác.”
Ông nói “Điều này nằm trong khuôn khổ của sự tăng cường sức mạnh quân sự của Nga bên trong Syria, một việc mà như quí vị đã biết, có thể được dùng để hỗ trợ cho chế độ Assad.” Ông Earnest nói thêm rằng “Chúng tôi đã nói rõ là việc cung cấp sự hỗ trợ cho chế độ Assad bởi bất cứ ai, kể cả Nga, là một việc vô lương tâm.”
Các cựu giới chức chính phủ và các nhà phân tích cho rằng những diễn tiến mới ở Syria rất đáng lo ngại.
Ông John Herbst, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine, nói “Điều này có thể cho thấy là ông Putin đang tìm cách phô trương cơ bắp – không chỉ thông qua những hành động xâm lăng ở Ukraine, không chỉ thông qua việc bán trang thiết bị quân sự, mà còn thông qua việc sử dụng nhân viên quân sự Nga ở vùng Trung Đông.”
Ông Herbst, hiện là giám đốc Trung tâm Âu Á của Hội đồng Đại Tây Dương, cảnh báo rằng những hành động của Nga ở Syria phải được xem xét trong bối cảnh của những hành động khác của họ, trong đó có những hành động đã mang lại một số thành quả, trong việc gia tăng hoạt động mua bán vũ khí trên khắp vùng Trung Đông, kể cả với các nước đồng minh của Mỹ như Ai Cập, Ả rập Xê út và Iraq.
Ông nói “Cách nhìn của Moscow đối với những sự việc trên thế giới phần lớn là dựa trên quan điểm kẻ được người mất. Cho nên sự gia tăng ảnh hưởng của họ ở Trung Đông có nghĩa là phương hại tới quyền lợi và ảnh hưởng của Mỹ, và với một mức độ ít hơn, phương hại tới quyền lợi và ảnh hưởng của phương Tây.”
Các giới chức tình báo Mỹ không muốn đề cập tới vấn đề động cơ, nhưng một giới chức muốn giấu tên nói với đài VOA rằng sự tăng cường sức mạnh của Nga ở Syria “gây ra nhiều sự lo ngại, đặc biệt là vì việc này không được phối hợp với các nước khác đang hoạt động trong khu vực.”
Giới chức này nói thêm rằng “Hiện không rõ Nga định làm gì, nhưng họ thường không tự chế trong những vụ đối đầu quân sự.”
NATO theo dõi sát tình hình
Diễn tiến này cũng gây lo ngại cho liên minh NATO.
Một giới chức NATO cho đài VOA biết rằng liên minh này tiếp tục “theo dõi sát tình hình trong khu vực,” và đang làm việc với các đối tác ở Trung Đông và Bắc Phi để tăng cường năng lực quốc phòng và thúc đẩy cho sự ổn định.
Trong một cuộc thảo luận trên Facebook hôm thứ ba, Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, nói “Tôi lo ngại vì những báo cáo cho biết Nga có lẽ đã triển khai nhân viên và phi cơ quân sự. Chúng tôi đang tìm cách để ổn định, để giúp các nước này, để tăng cường năng lực của họ ngõ hầu họ có thể bảo vệ cho đất nước của họ và cho khu vực của họ.”
Mặc dầu vậy, các nhà phân tích cho rằng Nga cũng phải cẩn thận nếu không muốn gây rủi ro cho uy thế mà họ đang muốn tạo dựng.
Ông Omar Lamrani, một chuyên gia quân sự của tổ chức nghiên cứu Stratfor, nói “Nga đang lo ngại về việc các lực lượng của họ có thể bị những phần tử cực đoan trong khu vực bắt giữ và sau đó sẽ bị xấu mặt vì không thể giải cứu những người đó. Sẽ có vô số những câu hỏi mà Nga khó lòng giải đáp khi các lực lượng Nga bị thiệt mạng hoặc bị bắt ở một nước xa xôi như Syria.”
Ông Lamrani cho rằng một lý do thực tế hơn để Moscow duy trì một khoảng cách nào đó là những vụ mua bán vũ khí của họ cho những nước đang hỗ trợ cho những nhóm thuộc phe chống đối ở Syria.
Ông nói “Một mặt, Nga rất muốn tăng cường sức mạnh cho đồng minh truyền thống của họ ở Syria, nhưng mặt khác, họ cũng có một mối quan hệ ngày càng lớn với Hội đồng Các Quốc gia Vùng Vịnh (GCC), với những nước Ả Rập khác. Cho nên họ sẽ rất cẩn thận để duy trì một sự cân bằng nào đó.”