Nga một lần nữa phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà lẽ ra sẽ gia hạn một cuộc điều tra quốc tế về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, chỉ một ngày sau khi nước này phủ quyết một nghị quyết tương tự.
Nhật Bản đã đề xuất một nghị quyết gia hạn cuộc điều tra thêm 30 ngày nữa để xác định ai đứng đằng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria để cho thêm thời gian đàm phán về một thỏa hiệp rộng hơn.
Hôm thứ Năm, Mỹ bảo trợ một nghị quyết tương tự gia hạn một năm và cũng bị Nga phủ quyết.
Một dự thảo nghị quyết riêng của Nga hôm thứ Năm kêu gọi những thay đổi trong cuộc điều tra quốc tế đã không giành đủ sự ủng hộ để thông qua, chỉ có bốn quốc gia biểu quyết thuận. Đề xuất của Nga bao gồm những thay đổi đối với thẩm quyền mà Mỹ phản đối.
Không được gia hạn, thẩm quyền của Cơ chế Điều tra Chung (JIM) đã hết hạn vào nửa đêm ngày thứ Năm.
Sự phủ quyết của Nga hôm thứ Sáu là lần thứ 11 Nga phủ quyết một nghị quyết về Syria.
Sau cuộc biểu quyết hôm thứ Sáu, Đại sứ Mỹ Nikki Haley nói với hội đồng: "Nga không quan tâm đến chuyện tìm kiếm điểm chung với các nước còn lại của hội đồng này để cứu JIM. Nga sẽ không chấp thuận bất kỳ cơ chế nào mà có thể phơi bày việc sử dụng vũ khí hóa học của nước đồng minh của Nga, chế độ Syria. Đơn giản và đáng hổ thẹn như vậy đó."
Bà Haley gửi lời "xin lỗi chân thành" tới gia đình của những nạn nhân vũ khí hóa học ở Syria và những trẻ em, người phụ nữ và đàn ông Syria, những người có thể là nạn nhân của các cuộc tấn công trong tương lai." Bà nói: "Hãy biết rằng Mỹ, cùng với các nước còn lại của hội đồng này, sẽ không từ bỏ việc tìm kiếm công lý cho người thân yêu đã mất của các bạn và sự bảo vệ cho gia đình các bạn. Hãy biết rằng Nga có thể ngăn trở hội đồng này, nhưng họ không thể ngăn trở sự thật."
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia nói cuộc điều tra chỉ có thể được gia hạn nếu "những sai sót căn bản trong công tác của nó" được sửa chữa.
Cơ chế Điều tra Chung bắt đầu công tác của mình cách đây hơn hai năm sau một loạt các cuộc tấn công vũ khí hóa học nhắm vào thường dân ở Syria giết chết hoặc gây ra đau đớn khôn tả đối với hàng trăm người.
Các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc đã quy trách chính phủ Syria về việc sử dụng chất độc thần kinh sarin bị cấm trong cuộc tấn công ngày 4 tháng 4 và về một số lần sử dụng khí clo làm vũ khí. Liên Hiệp Quốc cũng quy trách những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo sử dụng khí mù tạt.
Chính phủ Syria nói những kẻ khủng bố - từ mà họ dùng để mô tả phe đối lập - chịu trách nhiệm về tất cả các vụ tấn công.
Nga, đồng minh hùng mạnh nhất của Syria, ủng hộ các cuộc điều tra về vũ khí hóa học, nhưng chỉ trích các báo cáo là bất công đối với chính phủ Syria.