Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết điều tích cực là các cuộc đàm phán hôm 11/1 tại Geneva đã được tổ chức một cách cởi mở, thực chất và trực tiếp, nhưng Nga chỉ quan tâm đến kết quả.
“Không có thời hạn rõ ràng ở đây, không ai đặt thời hạn – chỉ có lập trường của Nga rằng chúng tôi sẽ không hài lòng nếu quá trình này kéo dài vô tận”, ông nói.
Nga đã đẩy phương Tây vào bàn đàm phán bằng cách đổ quân về gần biên giới với Ukraine trong lúc họ đặt ra một loạt các yêu sách nhằm ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO và đẩy lùi hai thập kỷ mở rộng của liên minh quân sự này ở châu Âu.
Washington cho biết họ không thể chấp nhận những yêu sách này, mặc dù họ sẵn sàng can dự vào các khía cạnh khác trong đề xuất của Nga bằng cách thảo luận về việc triển khai tên lửa hoặc giới hạn quy mô tập trận.
Ông Peskov cho biết tình hình sẽ rõ ràng hơn sau hai vòng đàm phán tiếp theo mà Nga sẽ tổ chức trong tuần này – với NATO tại Brussels vào 12/1 và tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở Vienna vào ngày 13/1.
Các nhà đàm phán Nga và Mỹ không có dấu hiệu thu hẹp sự khác biệt trong các cuộc họp báo sau phiên họp đầu tiên tại Geneva.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết hai bên ‘về một số mặt, có quan điểm trái ngược’. Ông nói trước báo giới: “Đối với chúng tôi, điều bắt buộc là phải đảm bảo rằng Ukraine không, không, và không bao giờ trở thành thành viên NATO”.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nói: “Chúng tôi rất kiên quyết đẩy lùi các đề xuất an ninh (của phía Nga) mà đơn giản là không thể lọt tai của Mỹ.”
Mỹ kêu gọi Moscow giải tán số binh lính khoảng 100.000 người gần biên giới với Ukraine, cuộc đổ quân đã khiến Ukraine và phương Tây lo ngại về một cuộc xâm lược khả dĩ, tám năm sau khi Nga thôn tính bán đảo Crimea từ Ukraine.
Ông Ryabkov cho biết Nga không có ý định tấn công Ukraine, nhưng bà Sherman nói bà không biết liệu Nga có sẵn sàng giảm leo thang bằng cách đưa binh lính trở lại doanh trại hay không.
Ukraine đã nằm dưới sự cai trị của Moscow trong nhiều thế kỷ, trong đó có thời kỳ nằm trong Liên Xô, và Tổng thống Vladimir Putin đã nói rằng viễn cảnh NATO kết nạp Ukraine, hoặc đặt vũ khí ở đó có thể để tấn công Nga, là ‘lằn ranh đỏ’.
Ukraine muốn gia nhập NATO, điều này sẽ giúp nước này được bảo vệ khi bị tấn công. Khối này trước mắt chưa có ý định cho Kiev gia nhập, nhưng nói rằng Nga không thể có quyền phủ quyết đối với quan hệ của NATO với các nước có chủ quyền khác.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo ông Putin trong hai cuộc đối thoại vào tháng trước rằng bất kỳ cuộc xâm lược nào của Nga sẽ gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng với các biện pháp trừng phạt chưa từng thấy. Ông Putin trả lời rằng những động thái như vậy sẽ là sai lầm lớn và đưa đến quan hệ rạn nứt hoàn toàn.