Các biện pháp chế tài do Mỹ và các đồng minh áp đặt lên Moscow do xâm lược Ukraine đang đẩy Nga vào suy thoái và bắt đầu đưa nước này trở lại thành nền kinh tế khép kín, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết hôm 1/4.
Vị quan chức này nói với các phóng viên với điều kiện giấu tên rằng Bộ Tài chính Mỹ chứng kiến Nga đang vật lộn với lạm phát cao, xuất khẩu giảm và thiếu hụt hàng hóa mặc dù đồng rúp phục hồi so với đồng đô la. Quan chức này bác bỏ sự phục hồi do kiểm soát vốn nghiêm ngặt và hạn chế giao dịch ngoại hối, chứ không nhờ các lực lượng thị trường.
Lạm phát đã lên tới 6% trong ba tuần qua là chỉ dấu hiệu tốt hơn về hiệu quả của các lệnh chế tài ở trong nước Nga, cho thấy sức mua của đồng rúp bị suy giảm, quan chức này nói thêm rằng tỷ giá hối đoái của đồng rúp thị trường chợ đen thấp hơn nhiều so với tỷ giá quốc tế.
Sau khi các nước phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt ban đầu làm đóng băng khoảng một nửa trong số 630 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Nga và đưa một số ngân hàng chủ chốt của Nga ra khỏi mạng lưới giao dịch quốc tế SWIFT, đồng rúp đã mất một nửa giá trị so với đồng đô la Mỹ.
Kể từ đó, nó đã lấy lại giá trị như trước khi có cuộc xâm lược, chạm mức cao nhất trong năm tuần trong phiên giao dịch sớm ở Moscow hôm 25/3 trước khi bình ổn trong khoảng 83-84 rúp so với đồng đô la.
Tuy nhiên, quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết điều đó sẽ không ngăn được đà sụt giảm mạnh của sản lượng kinh tế Nga mà các nhà phân tích nước ngoài hiện dự báo sẽ ở mức khoảng 10% trong năm nay - tồi tệ hơn nhiều so với mức sụt giảm 2,7% mà nước này phải chịu trong năm 2020, năm đầu tiên của đại dịch COVID-19.
“Hậu quả kinh tế mà nước Nga đang phải đối mặt là rất nghiêm trọng: lạm phát cao sẽ càng cao hơn và suy thoái sâu sẽ càng sâu hơn,” quan chức này nói.
Quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết tác động cộng dồn của các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng, các nhà tài phiệt giàu có gắn với Tổng thống Nga Vladimir Putin, các lĩnh vực công nghiệp quan trọng và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ không cho phép Nga tiếp cận các công nghệ then chốt là nhằm đẩy Nga trở lại là nền kinh tế khép kín như trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh
Nhưng Nga, nước sản xuất chủ yếu các mặt hàng then chốt và nguyên liệu thô, không có đầy đủ thiết bị để tự sản xuất hàng tiêu dùng và hàng công nghệ, cũng theo vị quan chức giấu tên này.
"Là nền kinh tế khép kín, Nga chỉ có thể tiêu thụ những gì họ sản xuất, đó sẽ là sự điều chỉnh rõ rệt,” ông nói thêm nói thêm.
Quá trình này sẽ không xảy ra ngay lập tức. Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác vẫn đang giao thương với Nga, và có thể thay thế một số hàng hóa và phụ tùng mà Nga thường mua từ các công ty phương Tây.
Tuy nhiên, việc tiếp cận chất bán dẫn, phần mềm và các công nghệ khác nằm trong danh sách hạn chế xuất khẩu của Mỹ cũng sẽ ngăn Trung Quốc bán cho Moscow con chip vì tất cả các chất bán dẫn của Trung Quốc được sản xuất bằng công nghệ hoặc phần mềm của Mỹ.
Mỹ tính rằng các biện pháp trừng phạt và hạn chế xuất khẩu sẽ làm suy yếu nền kinh tế Nga và làm tê liệt khả năng quân đội Nga trong việc mua sắm phụ tùng và thiết bị phục vụ nỗ lực chiến tranh, quan chức này nói.
Washington cảm thấy thoải mái với việc thực thi các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu cho đến nay, nhưng vẫn cảnh giác với bất kỳ vi phạm nào.
Bình luận của Bộ Tài chính được đưa ra khi các quan chức cấp cao của chính quyền Biden đi khắp thế giới để gây áp lực lên các nhà lãnh đạo khắp nơi để duy trì áp lực trừng phạt đối với Nga.