Đường dẫn truy cập

Nga áp dụng chiến thuật mới để phá bầu cử Mỹ


Cử tri đi bỏ phiếu ở bang Virginia, Mỹ, vào ngày 6/11/2018.
Cử tri đi bỏ phiếu ở bang Virginia, Mỹ, vào ngày 6/11/2018.

Tình báo Nga được cho là phối hợp chặt chẽ với chính phủ đã ra sức phát tán nội dung chia rẽ và quảng bá các chủ đề cực đoan trước cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ, và đang tìm cách giấu kín mọi vết tích, Reuters dẫn nguồn tin từ các nhà điều tra chính phủ, các viện nghiên cứu và công ty bảo mật cho biết hôm 6/11.

Các nhà nghiên cứu tìm hiểu về việc phát tán thông tin trên Facebook, Twitter, Reddit và các nền tảng khác cho biết các chiến thuật mới và khéo léo đã giúp phát tán thông tin phá hoại bầu cử tránh được kiểm duyệt của các công ty truyền thông xã hội lớn và tránh sự giám sát của chính phủ.

“Người Nga chắc chắn không để yên”, Reuters dẫn lời ông Graham Brookie, giám đốc Phòng thí nghiệm nghiên cứu về điều tra kỹ thuật số của Hội đồng Đại Tây Dương nói. “Họ cải biến theo thời gian để đối phó với việc Mỹ tăng cường tập trung vào các hoạt động gây ảnh hưởng bầu cử”.

Các cơ quan công lực và tình báo Mỹ cho biết Nga đã sử dụng thông tin đánh lạc hướng và các chiến thuật khác để hỗ trợ cho chiến dịch năm 2016 của Tổng thống Donald Trump.

Chính phủ Nga đã bác bỏ các cáo buộc can thiệp bầu cử.

Hôm 6/11, ngày người dân Mỹ đi bầu cử giữa kỳ, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từ chối bình luận về cáo buộc can thiệp hơn nữa vào cuộc tranh cử sắp tới và bầu cử giữa kỳ.

“Chúng tôi không thể phản ứng với một số những nhà phân tích an ninh mạng mơ hồ, bởi vì chúng tôi không biết họ là ai và liệu họ có hiểu biết gì về an ninh mạng hay không”, Reuters dẫn lời ông Dmitry Peskov nói với các phóng viên.

Theo ông Peskov, Moscow dự kiến sẽ không có sự cải thiện đáng kể trong mối quan hệ căng thẳng với Washington sau cuộc bỏ phiếu.

Một dấu hiệu rõ ràng về quyết tâm của Nga trong việc tiếp tục quấy rối chính trị của Mỹ được đưa ra trong những cáo buộc không được tiết lộ hồi tháng trước đối với một phụ nữ Nga, người từng làm kế toán tại một công ty ở St. Petersburg có tên là Cơ quan Nghiên cứu Internet.

Sau khi chi 12 triệu đôla cho dự án gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử của Hoa Kỳ thông qua truyền thông xã hội hồi năm 2016, công ty này đã chi 12,2 triệu đôla cho năm ngoái và sau đó đề xuất chi 10 triệu đôla chỉ trong nửa đầu năm 2018, Reuters trích dẫn hồ sơ tòa án.

Bản cáo trạng còn cho biết Cơ quan Nghiên cứu Internet đã sử dụng các tài khoản truyền thông xã hội giả để đăng lên cả hai mặt của các vấn đề mang tính chính trị như phân biệt chủng tộc, kiểm soát súng và vấn đề nhập cư. Các hướng dẫn được đưa ra một cách chi tiết, nhẹ nhàng để chế nhạo các chính trị gia cụ thể trong một chu kỳ tin tức cụ thể.

Các nhà nghiên cứu cho biết trong trường hợp các mục tiêu của việc truyền bá nội dung chia rẽ vẫn giữ nguyên, thì các phương pháp được phát triển theo nhiều cách.

Chẳng hạn, mọi người ít tin vào những câu chuyện hư cấu hoàn toàn. Người ta nhạy cảm trong việc tìm đến những câu chuyện hoàn toàn sai lệch, và Facebook cũng sử dụng các bộ kiểm tra thực tế bên ngoài để ít nhất giảm tốc độ lan truyền của chúng trên các trang của mình.

“Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu về tin giả và mọi người ngày càng hiểu rõ hơn về nó. Vì vậy, nó trở nên kém hiệu quả hơn về chiến thuật”, Priscilla Moriuchi, cựu quan chức Cơ quan An ninh Quốc gia và hiện đang là nhà phân tích tại công ty bảo mật mạng Recorded Future nói.

Thay vào đó, các tài khoản của Nga dùng cách khuếch đại các câu chuyện và “meme” trên internet mà ban đầu đến từ cánh cựu hữu hay cực tả Mỹ. Các bài đăng như vậy có vẻ chân thực hơn, khó xác định được là từ nước ngoài và dễ đưa ra hơn là các câu chuyện tự tạo.

Renee DiResta, giám đốc nghiên cứu tại công ty bảo mật New Knowledge, cho biết công ty của bà đã biên soạn một danh sách các tài khoản bị nghi ngờ của Nga trên Facebook và Twitter tương tự như những tài khoản đã bị đình chỉ sau chiến dịch năm 2016.

Bà Brookie nói rằng trong khi các tài khoản của Nga có thể nhảy vào một chủ đề nóng, thì hiệu quả thường đến bằng cách đưa ra các vấn đề liên quan.

Tuy vậy, điều đó không cần thiết khi chủ đề chính đủ sức chia rẽ.

Chẳng hạn, ý tưởng về “Blexit” là một lời kêu gọi người da đen thoát khỏi Đảng Dân chủ. Theo Daily Beast, ý tưởng này đã có được 250.000 tweet với Blexit hashtag trong 15 giờ bùng nổ vào tuần trước, và phát hiện 40.000 trong số đó đến từ tài khoản mà trước đó đã tham gia vào các chiến dịch thông tin của Nga.

Các chiến thuật mới khác được cho là phức tạp hơn.

Trong bản cáo trạng hồi tháng 10 và một hoạt động trước đó mà Facebook phát hiện cho thấy những kẻ chủ mưu sử dụng dịch vụ Messenger của Facebook để dụ người khác mua quảng cáo cho họ và tuyển dụng những người cực đoan ở Mỹ để cổ xúy cho các cuộc biểu tình trong thế giới thực.

Những động thái này cho phép người Nga tránh được các hệ thống phát hiện được tăng cường và hòa nhập vào đám đông.

“Họ đang dụ dỗ người Mỹ vào các nội dung chia rẽ và cay độc hơn”, chuyên gia Brookie nói.

“Bất kỳ giải pháp nào đưa ra cũng cần phải tập trung vào việc đặt nền tảng chính trị của chúng ta dựa trên thực tế, trước tiên và trên hết, và tập trung vào những điều đã giúp đất nước chúng ta gần nhau hơn”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG