Người biểu tình Thái Lan ngày 21/10 ra hạn chót cho Thủ tướng Prayuth Chan-ocha ba ngày để từ chức, nếu không ông sẽ phải đối mặt với nhiều cuộc biểu tình nữa. Lãnh đạo biểu tình đưa ra loan báo này đã bị bắt trong vòng 2 giờ sau đó.
Thủ tướng Prayuth trước đó nói ông sẵn sàng dỡ bỏ các biện pháp khẩn cấp áp đặt từ tuần trước để chấm dứt các cuộc biểu tình trong một động thái “xuống thang” tình hình.
Hàng chục ngàn người đã tuần hành đến văn phòng của Thủ tướng tại Dinh Chính phủ. Trong nhiều tháng, người biểu tình đã biểu tình chống Thủ tướng Prayuth và đòi giảm bớt quyền hành của Vua Maha Vajiralongkorn.
Họ đã trao thơ yêu cầu ông Prayuth từ chức cho một giới chức bên ngoài văn phòng Thủ tướng.
“Cuộc tranh đấu của chúng tôi chưa chấm dứt chừng nào ông ấy chưa từ chức. Nếu trong 3 ngày ông không từ chức, ông sẽ lại đối mặt với dân chúng,” lãnh đạo biểu tình Patsaravalee ‘Mind’ Tanakitvibulpon, 25 tuổi, nói với đám đông.
Cô Patsaravalee bị bắt về tội mà cảnh sát nói là có liên hệ đến cuộc biểu tình ngày 15/10.
Các cuộc biểu tình này trở thành thách thức lớn nhất của các định chế tại Thái Lan trong nhiều năm và đã thu hút sự chống đối công khai đối với chế độ quân chủ trong nhiểu thập niên dù luật về tội khi quân quy định bỏ tù đến 10 năm những người xúc phạm hoàng gia.
Vòi rồng
Cho tới nay, hầu hết những cuộc biểu tình đều ôn hòa, nhưng cảnh sát dùng vòi rồng chống lại người biểu hôm 16/10 khiến những người chỉ trích chính phủ nổi giận.
Cảnh sát chống bạo loạn chặn cuộc tuần hành hôm ngày 21/10 trong một thời gian ngắn trước khi cho đi.
Người biểu tình tố cáo ông Prayuth tổ chức bầu cử gian lận hồi năm ngoái để tiếp tục cầm quyền trong khi Thủ tướng Thái khẳng định đó là cuộc bầu cử công bình.
Người biểu tình cũng cáo buộc hoàng gia đã giúp quân đội thống lĩnh trong nhiều năm.
Hoàng gia có chính sách không bình luân khi truyền thông yêu cầu.
Ông Prayuth nói người biểu tình nên chờ tới phiên họp khẩn cấp vào tuần tới của Quốc hội.