Thủ tướng Benjamin Netanyahu mới nói với ABC News rằng: “Israel sẽ trách nhiệm về an ninh trong toàn thể Giải Gaza trong một thời gian không hạn định vì chúng tôi đã thấy khi bỏ trách nhiệm đó thì chuyện gì đã xảy ra,” ám chỉ vụ quân Hamas đột kích tàn sát 1,400 người Israel ngày 7 tháng 10.
Ông Netanyahu nói “thời gian không hạn định” là bao lâu? Chắc đến khi ông thôi làm thủ tướng. Netanyahu đã báo trước cuộc chiến Gaza sẽ rất khó khăn và lâu dài, có thể ông tin rằng khi chiến tranh chưa chấm dứt thì dân Israel sẽ không muốn thay đổi người lãnh đạo chính phủ.
Nhưng một cuộc nghiên cứu dư luận mới của Đại học Tel Aviv cho biết đa số dân Israel muốn ông Netanyahu từ chức. Ông là vị thủ tướng nắm quyền lâu nhất, trong 15 năm qua, nên phải chịu trách nhiệm về cuộc đột kích đẫm máu của ba ngàn quân Hamas. Cơ quan tình báo và quân đội Israel vẫn nổi tiếng vô địch, nhưng lần này đã không tiên đoán được và không đề phòng, vì chính sách của ông thủ tướng hướng các tài nguyên, nhân lực của Israel vào những mục tiêu khác.
Một mục tiêu của ông Netanyahu là bành trướng đất đai cho người Israel lập nghiệp khắp miền đất Vùng Tây Ngạn sông Jordan, để lãnh thổ mở rộng lớn bằng vùng “Đất Hứa” đã ghi trong Kinh Thánh và trong lịch sử dân Do Thái. Lãnh tụ các đảng bảo thủ cực đoan trong chính phủ liên hiệp của ông vẫn đề cao sứ mạng thiêng liêng này, ông cần thỏa hiệp với họ để có thể tiếp tục làm thủ tướng.
Thứ Bảy tuần qua, ông Netanyahu công bố cuộc tấn công trực tiếp vào giải Gaza sau hơn ba tuần lễ pháo kích, bỏ bom và bắn hỏa tiễn; ông đã nhắc tới một kinh trong Cựu Ước, viết về sắc dân Amalekites. Như ký giả Nicholas Kristof giải thích trên báo New York Times, theo kinh Amalek, thì Thượng Đế đã ban lệnh cho dân Do Thái “giết tất cả đàn ông, đàn bà, trẻ con và các hài nhi” thuộc sắc dân Amalekites. Nhà báo Kristof viết, ông Netanyahu không chủ trương chính sách đã viết trong Kinh, nhưng “Amalek” là chữ quan trọng thường xuất hiện trong chính trị Israel khi nói về một kẻ thù tàn bạo cần bị tiêu diệt không thương tiếc.
Để đạt mục tiêu bành trướng đất đai với các trại định cư mới, ông Netanyahu thực hiện một kế hoạch song hành, là làm mọi cách đè bẹp sức đề kháng của dân Palestine, những người làm chủ phần lớn vùng đất đó trước năm 1948, khi nước Israel tuyên bố thành lập.
Ông Netanyahu đã giúp sức Đảng Hamas cai trị hơn 2 triệu dân tại Gaza để chia rẽ họ với chính quyền Palestine chính thức của ông Mahmoud Abbas ở Ramallah, chỉ kiểm soát hơn một triệu dân trong vùng Tây Ngạn. Khi dân Palestine chia rẽ và không còn ai là đại diện được mọi người chấp nhận thì chính phủ Israel có lý do xóa bỏ những thỏa thuận từ trước, do các vị tổng thống Mỹ khởi xướng, theo đó sẽ thành lập một nước Palestine sống bên cạnh Israel.
Năm 2005, đảng Hamas được dân ở Gaza tín nhiệm. Nhiều người dân được phép đi qua Israel làm việc lao động, với đồng lương cao hơn ở Gaza. Năm 2018, Netanyahu cho phép chính phủ Qatar, một vương quốc Á Rập giàu có, chuyển cho chính quyền Hamas hàng chục triệu mỹ kim tiền viện trợ.
Dân Israel đang đặt câu hỏi về chính sách đó: Tại sao Netanyahu nuôi dưỡng nhóm Hamas để cho họ mạnh ngang với chính quyền Abbas, khi chủ trương được chính nhóm này công bố là sẽ xóa bỏ nước Israel – còn Abbas trước sau vẫn chính thức công nhận Israel, qua những thỏa ước đã ký kết?
Ông Netanyahu đã thành công trong kế hoạch chia rẽ nhóm Hamas với Mahmoud Abbas, nhưng không thể hiểu được tâm tình của người Palestine và không kiềm tỏa được khát vọng lập lại một quê hương mà họ ôm ấp. Ngược lại, các chính sách và hành động của chính phủ Israel đã nung nấu thêm nỗi uất hận của họ.
Dân Israel, tới hơn 700 ngàn người, đã lập các làng định cư, được chính phủ Netanyahu yểm trợ. Nhiều lần họ đánh nhau với dân Palestine trong các làng lân cận, số người Israel chết ít hơn. Quân đội Israel thường không can thiệp nhưng cảnh sát vẫn bênh vực dân định cư.
Israel tuyên bố lập thủ đô ở Jerusalem, nơi người Palestine vẫn coi sẽ là thủ đô của họ khi chính thức lập quốc. Hầu hết các quốc gia khác không công nhận quyết định của Netanyahu vì Jerusalem là nơi được coi là đất thánh của cả người Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo. Nhiều chính khách Israel như ông Ariel Sharon đã đến cầu nguyện tại những di tích lịch sử, như Đồi Đền Thở (Temple Mount), nơi có một giáo đường Hồi Giáo quan trọng bậc nhất. Hành động khiêu khích đó gây ra một cuộc nổi dậy, bạo loạn (intifada) của dân Palestine khắp cả vùng. Ngày 5 tháng Tư, 2023, quân đội Israel đã tiến vào Đền thờ Al-Aqsa, dùng lựu đạn cay đuổi những người Palestine ra ngoài, lấy lý do họ đã ném đá vào cảnh sát Israel. Hơn 400 người bị bắt và 150 người bị thương. Ngay sau đó, quân Hamas đã phóng hỏa tiễn vào Israel để trả thù, và bây giờ vẫn tiếp tục. Mohammed Deif, thủ lãnh Hamas đứng đầu cuộc đột kích ngày 7 tháng 10 đã đặt tên vụ tấn công này là “Trận Lụt Al-Aqsa.”
Dân trong Giải Gaza cũng nuôi lòng bất mãn, oán hận vì bị kiềm tỏa, kinh tế không thể phát triển. Israel vẫn phong tỏa bờ biển, không phận và các làn sóng điện, cùng tất cả các đường vào khu đất rộng 20 km dài 40 km này, trừ một lối đi qua Egypt (Ai Cập). Nhiều người dân Gaza ví cuộc sống của họ như ở trong một nhà tù lớn. Với viện trợ từ các nước Á Rập khác, và Iran, nhóm Hamas gia tăng lực lượng vũ trang và xây dựng hệ thống phòng thủ, lâu lâu lại phóng hỏa tiễn qua Israel để thử thách. Các vụ khiêu khích này và tình trạng bị phong tỏa gắt gao khiến người dân tin tưởng, trông cậy chính quyền Hamas hơn.
Nhóm Hamas muốn dư luận các nước Á Rập, và cả thế giới không được quên vấn đề người Palestine vẫn sống trong các “trại tị nạn” kể từ năm 1948, và sau cuộc chiến 1967 khiến Israel chiếm đóng thêm nhiều đất đai của họ. Vụ đột kích tàn bạo vào thường dân Israel ngày 7 tháng 10 có thể là một cái bẫy, nhằm khiêu khích cho chính phủ Israel phản ứng mạnh mẽ và tàn bạo không kém. Cuộc tấn công của quân Israel vào Giải Gaza là điều nhóm Hamas chờ đợi, để tạo ảnh hưởng trên dư luận.
Quả nhiên, dư luận đã thay đổi. Số thường dân bị giết đã lên hơn chục ngàn người, gần một nửa là trẻ em, cả thế giới phải đau lòng. Những cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine diễn ra khắp thế giới Á Rập và các nước Hồi Giáo, ngay cả tại các thủ đô London, Washington DC, Berlin, Paris, và Amman, thủ đô Jordan, và Cairo, Ai Cập. Thổ Nhĩ Kỳ là nước thân thiện với Israel nhất giữa các nước Hồi Giáo trong vùng, cũng đổi thái độ. Nhiều quốc gia Á Rập đang thân thiện với Israel cũng rút lại, mấy nước ở châu Mỹ La tinh đã triệu hồi đại sứ về nước.
Cuộc chiến không biết bao giờ mới chấm dứt. Quân đội Israel đã bao vây Thị xã Gaza và đã tiến vào khu trung tâm. Họ có thể san bằng thành phố này để tìm ra nơi ẩn nấu của bộ chỉ huy Hamas. Chiến trận sẽ diễn ra trong từng góc phố, từng ngôi nhà, và từng khúc đường hầm, có nơi sâu 80m dưới mặt đất. Thế giới sẽ chứng kiến cảnh bao nhiêu thường dân bị chết oan.
Khi quân Israel bắt, giết hoặc tống xuất được các lãnh tụ quân Hamas, thì có thể coi là ông Netanyahu thành công hay chưa? Hamas chỉ là một tập hợp những người chống Israel, một trong những nhóm cực đoan và tàn bạo nhất. Tiêu diệt được nhóm này, cũng không tiêu diệt được các ý tưởng căn bản của họ mà nhiều người Palestine cũng nuôi trong đầu. Hàng trăm ngàn thiếu niên Palestine và các xứ Á Rập khác đang chứng kiến cuộc chiến dẫm máu, họ sẽ lớn lên trong nỗi căm thù.
Chỉ khi nào chính phủ Israel đổi ý kiến, tuyên bố lại theo đuổi chủ trương “hai quốc gia” đã được nêu ra từ 40 năm trước, đồng ý việc thành lập một Nước Palestine, thì lúc đó mới hy vọng đàm phán trong hòa bình.
Ông Netanyahu cần được nhắc nhở lời Ami Ayalon, người từng chỉ huy cơ quan tình báo Shin Bet của Israel, viết trong cuốn hồi ký in năm 2020: “Giết các lãnh tụ khủng bố rồi không quan tâm đến nỗi uất hận của những người đi theo họ là một chuyện ngu ngốc, sẽ chỉ tạo thêm thất vọng căm hờn, và bạo động mạnh hơn.”
Thứ Bảy tuần qua, ông Netanyahu công bố cuộc tấn công trực tiếp vào giải Gaza sau hơn ba tuần lễ pháo kích, bỏ bom và bắn hỏa tiễn; ông đã nhắc tới một kinh trong Cựu Ước, viết về sắc dân Amalekites.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Diễn đàn