Mục đích chính của nhóm Hamas là gì, khi đột kích tàn sát hàng ngàn thường dân Israel? Để bắt con tin? Để trả thù? Để gây sợ hãi, khủng bố? Hay chỉ giết, để thỏa lòng khát máu? Hoặc tất cả những động cơ kể trên?
Cuộc tấn công hầu như không nhắm mục tiêu quân sự nào. Không tìm cách phá hủy các trại lính, các phi trường, các giàn hỏa tiễn hoặc đại pháo. Không chiếm đất. Không tìm cách giết hết những người cầm súng bên địch.
Đám quân chỉ qua Israel để bắn giết, bắt cóc những khán giả dự một nhạc hội ngoài trời, những thanh niên nam nữ sống trong mấy kibbutz, họ không có khí giới trong tay.
Chữ “kibbutz” có thể dịch là “nông trại,” nhưng không đủ nghĩa, lại dễ hiểu lầm. Đó là những làng người Do Thái ở Israel lập ra sau năm 1948, thời lập quốc. Hồi 1964, 65 ở Sài Gòn, một số chúng tôi đã đọc tài liệu về trẻ Israel ở những kibbutz, phổ biến cho nhau, thán phục và muốn bắt chước họ.
Người tham gia kibbutz hoàn toàn tự nguyện và được chọn lọc. Họ được tự do rút lui, không như các “nông trại” của Stalin hay “công xã nhân dân” của Mao Trạch Đông. Chính phủ Israel không can thiệp vào đời sống của kibbutz. Họ sống tập thể trong kibbutz, thường trồng cây ăn trái, ngũ cốc, rau cỏ và các loại hoa màu. Tất cả tài sản là của chung; ban quản trị được bầu lên, theo thủ tục dân chủ. Tôi còn nhớ một cuốn tự điển tiếng Pháp thời đó đã mô tả kibbutz như một thí dụ điển hình, khi định nghĩa chữ “socialisme” (chủ nghĩa xã hội). Thời đó ở miền Nam Việt Nam chúng tôi không được phép lập kibbutz, đến tuổi phải gia nhập quân đội. Nếu được phép lập, thì chắc chắn Việt Cộng cũng sẽ phá.
Trước đây mươi năm có lần tôi đã thăm hai kibbutz ở Israel – vì lòng hoài cổ. Dân ở đó vẫn sống theo các quy tắc như nửa thế kỷ trước. Họ thú nhận không thể phát triển. Nông sản của kibbutz cạnh tranh vất vả với các đại công ty nông nghiệp. Giới trẻ bây giờ cũng không chuộng nghề trồng trọt. Nhưng các lý tưởng sống tập thể, dân chủ, tự do, từ thời lập quốc vẫn tồn tại.
Thật không thể tưởng tượng đám quân của Hamas lại mở cuộc tàn sát chỉ nhắm vào những con người như vậy!
Câu hỏi là: Tại sao họ không tấn công các trại định cư của người Israel trong miền Tây Ngạn? Ở đó có những người gốc Do Thái nuôi tinh thần “ái quốc cực đoan” tự tôn, và kỳ thị, đã đánh nhau với dân Palestine ở chung quanh nhiều lần. Liên Hiệp Quốc coi những “trại định cư” mới này là phi pháp, vì miền Tây Ngạn không thuộc lãnh thổ Israel; chỉ “bị chiếm đóng” từ cuộc chiến 1967.
Quân Hamas đánh vào những kibbutz nằm trong vùng thuộc nước Israel! Tại sao “đội binh al-Qassam” của Mohammed Diab Ibrahim, trong nhóm Hamas lại gây chiến với các kibbutz? Tại sao phải giết chóc, tàn sát một cách dã man như vậy?
Chỉ có thể giải thích, là họ cố tình chọn các địa điểm này. Và cố tình giết các thường dân, phụ nữ, cả các cụ già, theo lối man rợ nhất, bất chấp các quy tắc chiến tranh của loài người “văn minh.”
Nhóm al-Qassam còn phô bày những thủ đoạn dã man tàn ác đó trong các đoạn phim được thâu hình, chỉ để tuyên truyền. Có thể nói, Mohammed “Deif” muốn khiêu khích cả nước Israel, nhất là Thủ tướng Netanyahu. Kích động cho Israel sẽ trả đũa “xứng đáng!”
Không ai dại dột làm đúng những việc mà đối thủ muốn mình làm! Ông Netanyahu cần thoát khỏi cái bẫy đó, tránh cho nước ông và cho cả nước Mỹ.
Có thể tin rằng Netanyahu không dại dột. Ông mới thề sẽ “tiêu diệt” đạo quân Hamas để trừ hậu họa, nhưng có nhiều cách để thực hiện lời hứa này. Netanyahu biết lịch sử sẽ ghi tên mình như người lãnh đạo duy nhất đã để cho quân địch bất ngờ tấn công giết hàng ngàn dân chúng – số người chết nhiều nhất kể từ vụ diệt chủng thời Đức Quốc Xã. Ông không thể để nước Israel có thể mang tiếng không còn tinh thần nhân đạo khi hành động trả đũa!
Quân đội Israel sẽ không tấn công vũ bão bất chấp sinh mạng của thường dân. Họ đã báo trước cho dân Palestine ở Gaza phải di tản để tránh bom đạn. Chính phủ Israel còn thả truyền đơn mang hình ảnh những trẻ em Israel bị đội binh al-Qassam tàn sát cho người dân Gaza hiểu lý do của cuộc hành quân. Nếu lính Hamas lợi dụng đám thường dân chạy loạn làm bia đỡ đạn, lẩn trong đó để bắn máy bay Israel, người dân chết oan sẽ biết nhóm Hamas chịu trách nhiệm.
Netanyahu, 73 tuổi, là một chính trị gia lão luyện, làm thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Israel, đã qua 16 năm. Ông giỏi chia rẽ các đối thủ để giành được quyền hành. Trước đây ông chống các ý kiến cực đoan, của những đảng chính trị đề cao dân tộc Do Thái. Vì họ chiếm phiếu các cử tri bảo thủ, cạnh tranh với đảng Likud của ông. Nhưng năm ngoái, không đủ đa số phiếu để lên chức thủ tướng, Netanyahu không ngần ngại liên minh với các đảng phái cực hữu, giao cho họ những ghế bộ trưởng quan trọng; như Ben-Gvir giữ bộ An ninh, Bezalel Smotrich, bộ Tài chánh. Cả hai người này đều muốn dùng bạo lực với dân Palestine.
Và họ muốn gia tăng các trại định cư dân gốc Do Thái trong vùng Tây Ngạn. Vùng “Bờ phía Tây” bị Israel chiếm từ năm 1967, đặt dưới quyền quản trị của một Chính quyền thiết lập theo Hiệp ước Oslo, năm 1993. Hiệp ước Oslo do Mỹ bảo trợ là lần đầu tiên Israel nói chuyện chính thức với dân Palestine và đổi lại, lần đầu tiên đại diện người Palestine công nhận một quốc gia Israel, mà nhiều quốc gia Á Rập vẫn từ chối.
Từ đó, Netanyahu nghiêng về phía các đảng cực hữu, đi theo một chính sách “chia để trị” đối với dân Palestine. Một mặt, ông nói chuyện trực tiếp với nhóm Hamas, mặc nhiên công nhận họ lo quản trị giải Gaza. Ông hạ thấp địa vị của chính quyền Mahmoud Abbas ở Tây Ngạn, không còn là đại diện cho tất cả người Palestine nữa. Trong thực tế, đảng Fatah vẫn cộng tác với tình báo Israel khi cùng chống khủng bố.
Mặt khác, Netanyahu nhờ chính phủ Mỹ vận động một số nước Á Rập trong vùng công nhận nước Israel, bỏ qua một điều kiện tiên quyết họ vẫn đặt ra, là phải thành lập một nước Palestine trước. Vẫn dùng mưu “chia để trị,” Netanyahu đã thành công. Vấn đề Palestine sẽ trở thành một chuyện “nội bộ,” chính phủ Israel sẽ giải quyết nếu cần. Trong năm cuộc bỏ phiếu toàn quốc ở Israel vừa qua, khi tranh cử không một đảng nào nêu câu hỏi về cách đối sử với người Palestine. Quốc gia Á Rập giàu nhất là Saudi đang thảo luận việc công nhận Israel. Thế giới sẽ dần dần lãng quên, không ai bàn “vấn đề Palestine” nữa.
Mohammed Diab Ibrahim muốn thế giới nhớ lại, nhắc nhở bằng những hành động tàn ác, phi nhân đạo, mong Netanyahu sẽ ra tay trả đũa cho tương xứng.
Ông Netanyahu không thể bị đánh bẫy. Ông đã lập một “Nội các Khẩn trương Thời Chiến,” mời các người đối lập tham dự, như ông Benny Gantz từng giữ bộ quốc phòng trong những năm 2020 tới 2022. Chính phủ mới sẽ chứng tỏ Israel trước sau vẫn là một quốc gia dân chủ tự do, tôn trọng các quy luật chiến tranh của loài người. Những người xây dựng nước Israel, những người tình nguyện sống trong các kibbutz từ ngày lập quốc, họ đều muốn Israel là một quốc gia muốn biểu hiện những lý tưởng mà loài người vẫn theo đuổi.
Diễn đàn