Hôm qua, ông Jhanlanath Khanal được các nhà lập pháp bầu làm thủ tướng sau khi ứng viên thuộc đảng Mao-ít quyết định rút lui khỏi cuộc đua vào phút chót.
Đây là lần thứ 17 quốc hội Nepal họp để chọn ra một nhà lãnh đạo mới sau khi vị thủ tướng trước từ nhiệm hồi tháng 6 năm ngoái. Kể từ lúc đó, Nepal đã rơi vào tình trạng trống không chính trị vì các chính đảng manh mún không quyết định được việc chọn ai ra làm người lãnh đạo.
Ông Jhalanath Khanal thuộc đảng Mac-xit Lê-nin nít Thống nhất, có liên minh với phe Mao-it. Mao-it là đảng lớn nhất trong một quốc hội đầy chia rẽ.
Ông Yuvraj Ghimire, một chuyên gia phân tích chính trị ở Kathmandu, cho rằng vị thủ tướng mới đứng trước nhiều thách thức. Ông Ghimire nói nhà lãnh đạo mới của Nepal sẽ phải vãn hồi sự cai trị tốt hơn và đẩy nhanh công tác soạn thảo một hiến pháp mới cho đất nước.
Ông nói: “Dầu sao thì đây cũng là một quốc hội không có được sự đồng thuận và chỉ còn có 4 tháng nữa là phải đưa ra một bản hiến pháp mới. Ngoài ra, tình hình kinh tế trong nước, tình hình luật pháp và trật tự, và cảm tưởng chung về an ninh đang rất xấu.”
Thủ tướng Khanal, thuộc đảng UML là đảng lớn thứ ba tại quốc hội, đã kêu gọi sự ủng hộ của tất cả các chính đảng. Ông nói đất nước chỉ có thể chuyển tiếp qua hòa bình và thịnh vượng trên căn bản đồng thuận quốc gia.
Các nhà phân tích chính trị nói rằng vị thủ tướng mới sẽ phải tìm ra một nghị trình chung với cả đảng Maoit và đảng Quốc Đại đối lập.
Công tác sẽ không dễ dàng tại một nước mà tiến trình hòa bình đã bị đình trệ vì những bất đồng sâu xa giữa các chính đảng. Tiến trình hòa bình đã khởi sự năm 2006, khi du kích quân Mao-it kết thúc cuộc nội chiến dài cả thập niên. Nhưng các đảng phái không đồng ý cả về hình thức một hiến pháp mới lẫn về tương lai của khoảng 19 ngàn cựu chiến binh Mao-it đang sống trong các trại.
Thủ tướng mới đã cảnh báo các nhà lập pháp rằng họ phải củng cố tiến bộ đã đạt được kể từ khi chấm dứt cuộc nội chiến nếu không thì sẽ rơi trở lại vào tình trạng khủng hoảng.
Nepal đã bầu ra một thủ tướng mới, sau 7 tháng bế tắc chính trị. Theo dự kiến, ban lãnh đạo mới sẽ hồi sinh tiến trình hòa bình đang lụi tàn ở nước này. Thủ tướng mới kêu gọi một sự đồng thuận quốc gia trong một nước mà các bất đồng giữa các chính đảng đã khiến các nỗ lực hòa bình bị đình trệ. Từ New Delhi, thông tín viên VOA Anjana Pasricha ghi nhận chi tiết.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1