Chính phủ Nepal, một chính phủ lâu nay vẫn bị phê bình là tham ô và hoạt động thiếu hiệu quả, giờ đây bị chỉ trích là gây cản trở cho những nỗ lực cứu trợ qui mô lớn để giúp đỡ các nạn nhân động đất. Thông tín viên đài VOA Steve Herman gởi về bài tường thuật từ thủ đô Kathmandu.
Nhiều tổ chức cứu trợ than phiền về tình trạng tắc nghẽn tại hải quan và về việc các đoàn xe chở hàng cứu trợ bị chặn lại hoặc bị làm cho trễ nãi, trong lúc hàng triệu nạn nhân đang nóng lòng chờ được giúp đỡ.
Ông Kunda Dixit, chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Nepali Times, cho biết trận động đất 7.8 xảy ra vào một thời điểm mà Nepal vẫn còn chật vật phục hồi sau cuộc nội chiến kéo dài cả thập niên và tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn vì một hệ thống chính trị yếu ớt.
"Các tệ nạn tống tiền, ngăn chận đường sá, tham ô là những chuyện xảy ra hàng ngày trong thời kỳ có xung đột và kéo dài ít nhất là 8 năm sau cuộc xung đột."
Tình trạng này gây phẫn nộ cho những người muốn giúp đỡ, như ông Shiva Shrestha, một diễn viên điện ảnh nổi tiếng.
"Nếu chính phủ Nepal có còn một chút đầu óc thì những điều mà họ sẽ làm là tập họp tất cả những người nước ngoài tới đây để giúp đỡ và các tổ chức phi chính phủ ở địa phương rồi giao quyền cho họ để họ hoạt động. Nếu chính phủ tìm cách tự làm lấy thì mọi việc sẽ bị trễ nãi."
Tại Phi trường Quốc tế Tribhuvan, các chuyến bay chở hàng cứu trợ tiếp tục hạ cánh và hàng cứu trợ bị ứ đọng vì thủ tục hải quan.
Các giới chức Liên Hiệp Quốc muốn vấn đề ứ đọng được giải quyết ngay.
Ông Anuradha Koirala, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Maiti ở Nepal, cho biết xã hội dân sự ở nước này muốn tự đảm nhiệm các hoạt động cứu trợ.
"Chúng tôi không tin tưởng là nếu chúng tôi giao cho chính phủ thì hàng cứu trợ sẽ tới tay những người đang chịu khổ sở."
Nữ diễn viên Malvika Subba đang tình nguyện làm việc cho tổ chức từ thiện Nepal Share. Cô nói rằng chính phủ nước này đang đối mặt với một cuộc trắc nghiệm rất lớn.
"Khi họ đưa ra những luật lệ và qui định cho chúng tôi, cho các tổ chức phi chính phủ và cho mọi tổ chức, để đòi chúng tôi hoạt động một cách minh bạch, chính họ cũng cần phải minh bạch và làm việc với tinh thần trách nhiệm. Do đó, họ cần phải làm như vậy."
Cộng đồng Quốc tế đã cam kết hơn 60 triệu đô la viện trợ khẩn cấp. Liên Hiệp Quốc cho biết cần có thêm 350 triệu để giúp mấy triệu người cần trợ giúp lương thực khẩn cấp. Và công tác tái thiết ở Nepal theo dự liệu sẽ lên tới 5 tỉ đô la.
Ông Kunda Dixit của tờ Nepali Times cho rằng tham nhũng là một vấn đề lớn hiện nay.
"Sẽ có tham nhũng. Đây là một nước cực kỳ thối nát. Tệ nạn tham ô đã thật sự trở thành một đại dịch ở đây, ngay cả trước khi xảy ra vụ khủng hoảng này."
Các nhà quan sát nói rằng người dân Nepal giờ đây đang trông chờ xã hội dân sự và giới truyền thông ra sức làm việc để giới hữu trách làm việc với tinh thần trách nhiệm trong lúc những khoản tiền lớn từ nước ngoài đổ vào quốc gia vùng Hy Mã Lạp Sơn này.