Đường dẫn truy cập

Có nên cứu xét đề nghị hòa bình của Bắc Triều Tiên?


Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un ngồi trên một chuyến tàu điện ngầm mới được sản xuất tại Kaeson Station ở Bình Nhưỡng (Ảnh tư liệu do báo của đảng Lao động Triều Tiên phát hành).
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un ngồi trên một chuyến tàu điện ngầm mới được sản xuất tại Kaeson Station ở Bình Nhưỡng (Ảnh tư liệu do báo của đảng Lao động Triều Tiên phát hành).

Việc Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nhanh chóng bác bỏ một đề nghị của Bắc Triều Tiên đình chỉ việc tiến hành thêm các cuộc thử nghiệm hạt nhân là điều hơi lạ đối với một số các nhà hoạt động tin rằng chế tài quốc tế không thôi sẽ không thuyết phục được chính quyền Kim Jong Un đơn phương giải giới.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Associated Press hôm thứ bảy, Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Su Yong nói nước ông sẵn sàng đình chỉ các vụ thử hạt nhân nếu Hoa Kỳ ngưng các cuộc thao diễn quân sự thường niên với Nam Triều Tiên.

Phản ứng của Tổng thống Obama hôm chủ nhật nói rằng Bình Nhưỡng “phải làm khá hơn thế,” theo giới phê bình, dường như là một cơ hội bị bỏ lỡ nhằm quân bình các chiến thuật làm áp lực bằng đối thoại và ngoại giao.

Chuyên gia phân tích về Bắc Triều Tiên John Delury của trường Đại học Yonsei ở Seoul nói:

“Đề nghị này là một nước cờ mở đường từ phía Bắc Triều Tiên và lẽ ra chúng ta phải tận dụng thay vì gạt bỏ.”

Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên cũng nói trong một thông cáo hôm chủ nhật rằng đề nghị của miền Bắc “không đáng để cứu xét.”

Liên Hiệp Quốc đã áp đặt các biện pháp chế tài mới gay gắt hồi tháng 3 nhắm vào Bắc Triều Tiên vì vụ thử nghiệm hạt nhân lần cuối hồi tháng giêng tiếp theo là một vụ phóng hỏa tiễn tầm xa.

Bắc Triều Tiên đã tăng tốc chương trình phát triển hạt nhân để thách thức các hạn chế của Liên Hiệp Quốc. Bình Nhưỡng mới đây lại tiến hành các vụ thử nghiệm phi đạn đạn đạo phóng đi từ tàu ngậm và có tin là miền Bắc đang chuẩn bị thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ năm vào bất cứ lúc nào.

Lý do để đàm phán

Một phi đạn đạn đạo chiến lược được phóng thử nghiệm từ tàu ngầm trong một bức hình không đề ngày tháng do thông tấn xã KCNA của Bắc Triều Tiên công bố ở Bình Nhưỡng, ngày 24 tháng 4, 2016.
Một phi đạn đạn đạo chiến lược được phóng thử nghiệm từ tàu ngầm trong một bức hình không đề ngày tháng do thông tấn xã KCNA của Bắc Triều Tiên công bố ở Bình Nhưỡng, ngày 24 tháng 4, 2016.

Những người ủng hộ đối thoại thêm lập luận rằng thỏa hiệp và thương thuyết cuối cùng vẫn là những phương sách duy nhất để giải quyết vụ giằng co hạt nhân này.

Ông Delury nói: “Chúng ta phải tìm ra một cách để trở lại con đường ngoại giao với phía Bắc Triều Tiên và điều đó sẽ là từ bỏ những thứ nhỏ nhặt ở đây mà chúng ta không muốn, để có thể lấy được những thứ quan trọng từ phía họ.”

Giới đồng quan điểm với ông Delury nêu ra rằng bày tỏ sự quan tâm đến việc thảo luận về đề nghị của Bắc Triều Tiên sẽ đặt áp lực tức khắc khiến Bắc Triều Tiên phải trì hoãn cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ năm, mà dường như họ đang tính tiến hành trước đại hội đảng cầm quyền vào đầu tháng 5. Các đồng minh của Mỹ như thế sẽ có thời giờ để đo lường sự tuân thủ của Bình Nhưỡng trước khi thực hiện bất cứ nhượng bộ quan trọng nào bởi vì các cuộc thao diễn quân sự hỗn hợp giữa Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên năm nay phần lớn đã chấm dứt.

Trong một bài xã luận hôm thứ hai, nhật báo Korea Times của Nam Triều Tiên kêu gọi Washington và Seoul hãy đưa ra một đề nghị phản hồi mà không tự cam kết với đề nghị của miền Bắc.

Bài xã luận của báo Korea Times nói: “Đường lối này có thể phục vụ hai mục đích, thăm dò miền Bắc về tình hình hiện tại của họ, và tiến tới việc khởi sự cuộc đối thoại đã thiếu vắng lâu nay, mặc dầu mức trông đợi thực tế là rất thấp.”

Những khuyết điểm trong đề nghị

Người dân Hàn Quốc xem truyền hình về vụ phóngtên lửa của Bắc Triều Tiên tại nhà ga xe lửa Seoul, ngày 23/4/2016.
Người dân Hàn Quốc xem truyền hình về vụ phóngtên lửa của Bắc Triều Tiên tại nhà ga xe lửa Seoul, ngày 23/4/2016.

Tuần trước, Phó Ngoại trưởng Hoa Kỳ Tony Blinken đã hối thúc Bắc Triều Tiên chọn con đường thương thuyết hòa bình thay vì đối đầu.

Ông Blinken nói: “Nếu một nước, ngay cả một nước mà chúng ta đã có những bất đồng sâu xa nhất, sẵn sàng giao tiếp một cách nghiêm túc và khả tính trong việc đáp lại những yêu cầu của cộng đồng quốc tế, thì chúng ta cũng sẵn sàng giao tiếp.”

Tuy nhiên, những người ủng hộ chính sách cứng rắn do Hoa Kỳ đứng đầu chống lại Bắc Triều Tiên nói rằng đề nghị này chủ yếu là tống tiền ở điểm Bắc Triều Tiên tìm cách đề ra những điều kiện theo đó họ sẽ tuân thủ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm chỉ chương trình hạt nhân của họ.

Giới ủng hộ chính sách cứng rằn cũng lập luận rằng đề nghị đình chỉ các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên quá mơ hồ và không bao gồm một cách rõ ràng những vụ phóng phi đạn tầm xa, các hoạt động khai triển hạt nhân và không mở ra cánh cửa cho các cuộc đàm phán quốc tế để hủy bỏ vũ khí hạt nhân của miền Bắc đổi lấy viện trợ kinh tế và bảo đảm an ninh.

Đề nghị được nhiều người coi là một mưu toan rõ ràng nhằm làm suy yếu sự ủng hộ cho các biện pháp chế tài ngay vao lúc tác động kinh tế bắt đầu được cảm nhân.

Lo ngại về chế tài

Người dân Bắc Triều Tiên đi bộ ngang qua một áp phích tuyên truyền tại Bình Nhưỡng.
Người dân Bắc Triều Tiên đi bộ ngang qua một áp phích tuyên truyền tại Bình Nhưỡng.

Những người ủng hộ đối thoại lập luận rằng duy trì một đường lối chỉ trừng phạt nghiêm khắc thôi đối với Bắc Triều Tiên không mang tính bền vững.

Trong khi Trung Quốc, với tư cách là đối tác kinh tế quan trọng nhất của miền Bắc, ủng hộ chế tài, việc thực thi ở biên giới cho đến giờ nay rất lơi là. Các giới chức ở Bắc Kinh cho biết họ muốn làm áp lực Bình Nhưỡng phải trở lại các cuộc đàm phán quốc tế nhưng không muốn châm ngòi cho sự bất ổn khu vực có thề làm gia tăng luồng người tỵ nạn ở biên giới hay dẫn đến sự sụp đổ chính quyền ở Bình Nhưỡng.

Và cuộc bầu cử mới đây ở Nam Triều Tiên có thể làm suy yếu liên minh chặt chẽ giữa Washington và Seoul hỗ trợ cho các biện pháp chế tài. Đảng Seanuri bảo thủ của Tổng thống Park Geun-hye đã mất thế đa số lập pháp tại Quốc hội.

Cuộc bầu cử có liên quan đến công ăn việc làm và chính sách kinh tế nhiều hơn so với quan hệ liên Triều, nhưng phe đa số mới của đảng đối lập Minjoo cũng ủng hộ việc mở ra các kênh thông tin mới với miền Bắc và nối lại hoạt động của khu Công nghiệp Kaesong mà bà Park đã đóng cửa để trả đũa cho cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư của Bình Nhưỡng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG