Cuộc tranh chấp quyền lợi giữa giới chủ Liên đoàn Bóng rổ Quốc gia Hoa Kỳ, tức NBA, và các cầu thủ của liên đoàn này tưởng chừng đã lên đến đỉnh điểm vào đầu tháng 7, khi hai bên không đạt được một thỏa ước tập thể liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm tài chánh.
Giới chủ của NBA nói rằng họ lỗ 300 triệu đôla trong năm ngoái, với chỉ 8 trong tổng số 30 chi nhánh thu được lợi nhuận. Họ muốn hạ mức trần tiền lương trả cho cầu thủ xuống thấp hơn nhiều, cắt một số điều kiện liên quan đến việc bảo đảm hợp đồng với cầu thủ, và giảm tỉ lệ phân chia doanh thu cho bên cầu thủ từ 57% xuống còn 50%.
Giới chủ không chấp nhận đề nghị của hiệp hội cầu thủ giảm tỉ lệ phân chia doanh thu cho phía cầu thủ xuống còn 54,3% và phía cầu thủ đóng góp chi phí 100 triệu đôla mỗi năm trong 5 năm tới.
Tiếp theo đó NBA quyết định đóng cửa các cơ sở đối với các cầu thủ, có nghĩa là các cầu thủ không được sử dụng cơ sở và huấn luyện viên của NBA để tập luyện, đồng thời các chi nhánh của liên đoàn không được phép xúc tiến tuyển mộ cầu thủ mới và chuyển nhượng cầu thủ.
Cuộc giằng co giữa hai bên có nhiều tiền của này càng ngày càng đi đến chỗ bế tắc. Luật sư David Boies quy trách cho giới chủ. Ông nói các cầu thủ đã đồng ý hạ mức ăn chia xuống nhưng giới chủ vẫn nhất quyết đòi nhiều hơn.
Hồi đầu tuần này, phía các cầu thủ đã đi đến quyết định giải thể Hiệp hội Cầu thủ Bóng rổ Quốc gia, gọi tắt là NBPA.
Hôm thứ Hai vừa qua, ông Bill Hunter, đại diện của các cầu thủ, nói với các phóng viên báo chí rằng phía các cầu thủ đã đi đến kết luận là "thỏa ước tập thể phân chia doanh thu hoàn toàn bị đỗ vỡ," và sau đó họ đã ra thông báo "khước từ Ủy viên Stern và NBA."
Luật sư David Boies nói rằng dường như giới chủ đã "đâm lao quá trớn trong cuộc giằng co này, và đã đẩy phía các cầu thủ ra khỏi ranh giới hợp tình, hợp lý." Ông Boies nói hành động đó đã "đẩy cuộc tranh chấp quyền lợi đi quá xa, và có thể gây thất thu cho họ hàng tỉ đôla."
Không thỏa thuận được về tiền lương và cũng không tìm được giải pháp nào cho cuộc tranh chấp, giới cầu thủ NBA quyết định đưa sự việc ra tòa. Các cầu thủ bị cấm sử dụng cở sở của Liên đoàn, trong đó có Carmelo Anthony và Kevin Durant, đã nộp đơn kiện NBA vi phạm luật chống độc quyền tại hai tiểu bang California và Minnesota.
Ông Dereck Fisher, chủ tịch hiệp hội các cầu thủ nói rằng "sau 2 năm nỗ lực vượt bậc nhằm hoàn thành thỏa ước phân chia quyền lợi giữa hai bên, giờ đây phía các cầu thủ phải đi đến kết luận là những điều kiện của giới chủ là không thể chấp nhận được." Ông Fisher nói rằng tất cả các cầu thủ và tất cả các đại diện đều nhất trí rằng những điều kiện mà họ đưa ra là quyết định đúng đắn nhất của phía cầu thủ."
Phía giới chủ cũng đã đệ đơn kiện lên tòa án New York với hy vọng chiếm được ưu thế trong cuộc tranh chấp pháp lý này. người phát ngôn Tim Frank nói rằng thật đáng tiếc là phía các cầu thủ lại đưa việc này ra tòa. Ông nói: "Ngay từ những ngày đầu của cuộc thương lượng, các cầu thủ đã đe dọa sẽ kiện liên đoàn nếu phía giới chủ không thỏa mãn yêu cầu của họ tại bàn thương thảo, và hình như họ đã thực hiện lời đe dọa đó."
Luật sư Boies nhận định rằng vụ kiện tụng này có thể sẽ kéo dài nhiều tháng mới giải quyết xong, và ông hy vọng sẽ đạt được một sự dàn xếp chấp nhận được trước khi để vụ việc kéo dài quá lâu.
Ông Boies nói: "Không ai đoán được vụ kiện tụng này sẽ kéo dài bao lâu, nhưng các bên đều mong muốn giải quyết cho xong càng sớm càng tốt. " Ông nói vụ kiện kéo dài càng lâu, cả hai bên càng chịu thiệt hại nhiều hơn, phía các cầu thủ chịu thiệt thòi càng nhiều, và một điều không kém phần quan trọng là những người hâm mộ sẽ phải chờ đợi lâu hơn nữa mới được thưởng thức giải bóng rổ hấp dẫn nhất thế giới này. Ông hy vọng cuộc tranh chấp sẽ sớm đi đến hồi kết.
Theo Luật sư Boies thì phía các cầu thủ sẵn lòng thương lượng, thế nhưng "một người không thể thương lượng với chính mình, mà anh ta cần phải có phía đối phương sẵn lòng ngồi xuống bàn để thương lượng."
Ngay vào lúc các cầu thủ chưa được trở lại sân này, một câu lạc bộ ở Bahrain lên tiếng chào mời "cầu thủ NBA nào muốn sang thi đấu cho giải bóng rổ Bahrain trong thời gian nghỉ này thì nhanh chóng liên lạc, các vị trí còn để trống rất giới hạn." Sẽ không có nhiều cầu thủ NBA với mức lương cả trăm ngàn đôla một tháng hưởng ứng lời mời đến Bahrain để lãnh mức thù lao khoảng dưới 10 ngàn đôla. Thế nhưng dư luận xem đây là khởi đầu của một cảnh báo đối với giải NBA lắm tiền của, và nhiều tranh chấp này.
Các cầu thủ trong Liên đoàn Bóng rổ Nhà nghề NBA của Mỹ quyết định đẩy cuộc tranh chấp quyền lợi với giới chủ lên mức quyết liệt hơn bằng việc giải tán hiệp hội cầu thủ và mang cuộc tranh chấp ra tòa. Cuộc giằng co khiến cho giải bóng rổ nổi tiếng nhất thế giới này không khởi động được đúng theo thời biểu, gây thất thu hàng tỉ đôla cho các bên.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1