Đường dẫn truy cập

NATO tăng cường sức mạnh ở Đông Âu


Phiến quân thân Nga luyện tập diễu hành cho Ngày đại thắng ở Donetsk, Ukraine.
Phiến quân thân Nga luyện tập diễu hành cho Ngày đại thắng ở Donetsk, Ukraine.

Tin tức mới đây cho biết Hoa Kỳ đang xem xét tới việc bố trí binh sĩ và vũ khí ở Đông Âu và vùng Baltique để đề phòng những hành vi xâm lấn của Nga. Trong khi đó, kết quả một cuộc khảo sát cho thấy nhiều người ở Tây Âu tỏ ra ngần ngại đối với việc phái binh sĩ tham chiến để bảo vệ các nước hội viên ở miền đông trong liên minh NATO.

Liên minh NATO trong thời gian gần đây đã tăng mạnh công tác huấn luyện cho các nước đồng minh ở mạn đông, nơi có thời thuộc khu vực ảnh hưởng của Liên Xô và cho các nước thuộc Liên Xô cũ và không phải là thành viên của liên minh.

Nếu được thực hiện, kế hoạch của Mỹ sẽ đưa sự ứng phó với những chính sách hung hăng của Nga lên một tầm cao mới.

Ông Malcolm Chalmers, giám đốc nghiên cứu của Viện Royal United Services ở London, nhận định như sau:

"Tôi nghĩ rằng rõ ràng là chúng ta đang ở trong một tình huống ăn miếng trả miếng".

Ông Chalmers nói thêm:

"Từng bước một, sự hiện diện của NATO ở Ba Lan và các nước Cộng hòa vùng Baltique và Rumanie, trên biên cương của Nga, đang được tăng cường. Tôi nghĩ rằng việc này sẽ tiếp tục, trừ phi họ nhận thấy Nga đã chấm dứt những hành vi hung hãn".

Những hành vi hung hãn bao gồm việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi nằm ngoái, ủng hộ cho phiến quân đòi ly khai ở miền đông Ukraine và thực hiện những chuyến bay quân sự để dò xét tình hình phòng thủ của NATO.

Mặc dầu vậy, theo một cuộc khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew, chưa tới phân nửa dân chúng ở các nước Tây Âu nghĩ rằng nước họ nên tham gia một cuộc chiến tranh chống Nga để bảo vệ cho các nước đồng minh ở phía đông.

Về việc này, ông Malcolm Chalmers nhận định như sau:

"Điều đó, một lần nữa, cho chúng ta thấy rằng các chính phủ ở phía tây cần phải giải thích về những gì mà họ đang làm với một cách thức có sức thuyết phục đối với dân chúng của họ. Bởi vì tôi nghĩ rằng rốt cuộc thì các nước dân chủ không muốn tham chiến mà không có sự ủng hộ của người dân".

Tuy nhiên, ông Chalmers cho rằng ý kiến dân chúng có thể thay đổi một cách rất nhanh chóng nếu Nga thật sự tấn công một nước thành viên NATO.

Ông Pawel Swidlicki, một nhà phân tích của tổ chức nghiên cứu Âu châu Mở, cho rằng các nhà lãnh đạo NATO sẽ đối mặt với những áp lực lớn đòi họ thực hiện cam kết cơ bản nhất của liên minh này là phòng thủ chung.

"Để có thể duy trì tính chất khả tín dưới bất kỳ hình thức nào, NATO sẽ phải có một sự ứng phó. Và tôi nghĩ rằng đó chính là lý do khiến Nga vẫn còn cảm thấy lo ngại rất nhiều trước khi khiêu khích NATO".

Ông Swidlicki cho biết những hành động của Nga cũng có phản tác dụng vì nó làm cho tình cảm chống Nga ở Đông Âu tăng mạnh và thúc đẩy một số nước không thuộc NATO, như Phần Lan, xem xét tới việc gia nhập liên minh này.

Mặc dầu vậy, các nhà phân tích dự kiến Nga sẽ tiếp tục trắc nghiệm NATO với những hành động gây hấn và liên minh này sẽ tiếp tục đáp trả. Nhưng họ cho rằng cả đôi bên không bên nào muốn làm cho sự đối nghịch hiện nay leo thang để trở thành một cuộc chiến tranh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG