Các nhà lãnh đạo NATO ngày 14/6 dự kiến sẽ định danh Trung Quốc là một mối “nguy cơ an ninh” của liên minh, một ngày sau khi nhóm bảy quốc gia giàu có (G7) đưa ra tuyên bố về nhân quyền ở Trung Quốc và Đài Loan mà Bắc Kinh nói là vu khống danh tiếng của họ, theo Reuters.
Với việc các nhà lãnh đạo đồng minh cũng đang lo ngại về việc Nga tăng cường quân sự gần Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mô tả hội nghị thượng đỉnh đầu tiên mà ông Joe Biden tham dự với tư cách là tổng thống Mỹ là một “thời điểm quan trọng”. Ông Biden hôm 13/6 nói NATO là “một nghĩa vụ thiêng liêng”, điều mà theo Reuters, một sự thay đổi giọng điệu rõ rệt so với người tiền nhiệm Donald Trump.
Đến hội nghị thượng đỉnh kéo dài một ngày ở Brussels, ông Stoltenberg nói sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc từ Baltics đến châu Phi có nghĩa là NATO phải chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ các giá trị dân chủ và an ninh của phương Tây.
“Trung Quốc đang đến gần chúng ta hơn. Chúng ta thấy họ trong không gian mạng, chúng ta thấy Trung Quốc ở châu Phi, nhưng chúng ta còn thấy Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng quan trọng của chính chúng ta”, ông Stoltenberg nói, đề cập đến các cảng và mạng lưới viễn thông. “Chúng ta cần cùng nhau đối phó với tư cách là một liên minh”.
Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết thông cáo cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ không gọi Trung Quốc là “kẻ thù”, và ông Stoltenberg cũng đã nói Trung Quốc không phải là kẻ thù, nhưng sẽ thể hiện mối quan ngại và gọi đây là thách thức “có hệ thống” đối với an ninh Đại Tây Dương khi nước này tham gia cùng Nga trong các cuộc tập trận quân sự, phát động các cuộc tấn công mạng và nhanh chóng xây dựng lực lượng hải quân của mình.
Các quốc gia G7 họp tại Anh cuối tuần qua đã mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc về vấn đề nhân quyền ở khu vực Tân Cương, kêu gọi cho Hong Kong được giữ mức độ tự chủ cao và yêu cầu điều tra đầy đủ về nguồn gốc của virus corona ở Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại London nói họ kiên quyết phản đối việc đề cập đến Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan, những điều mà họ cho rằng đã bóp méo sự thật và phơi bày “ý đồ thâm độc của một số quốc gia như Hoa Kỳ”.
“Không được vu khống uy tín của Trung Quốc”, Đại sứ quán Trung Quốc nói hôm thứ Hai.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đến dự hội nghị thượng đỉnh và nói rằng có cả rủi ro và phần thưởng cho Bắc Kinh.
“Khi nói đến Trung Quốc, tôi không nghĩ có ai đó muốn tiến vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc”, ông Johnson nói. “Nhưng tôi nghĩ mọi người nhìn thấy thách thức, họ nhìn thấy những thứ mà chúng ta phải giải quyết cùng nhau, nhưng họ cũng nhìn thấy cơ hội”.
Kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, NATO đã hiện đại hóa hệ thống phòng thủ của mình nhưng chỉ mới bắt đầu xem xét nghiêm túc hơn gần đây về bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào từ tham vọng của Trung Quốc. Từ các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các cảng ở châu Âu và kế hoạch thiết lập các căn cứ quân sự ở châu Phi cho đến các cuộc tập trận chung với Nga, NATO thể hiện sự đồng thuận rằng sự trỗi dậy của Bắc Kinh cần phải được đáp trả mạnh mẽ.
Nhưng các thành viên cũng đều lưu tâm đến những liên kết kinh tế của họ với Trung Quốc. Chẳng hạn, tổng thương mại của Đức với Trung Quốc vào năm 2020 là hơn 212 tỷ euro (256,82 tỷ USD), theo số liệu của chính phủ Đức, đưa Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại hàng đầu về hàng hóa. Còn theo dữ liệu của Hoa Kỳ, tổng số lượng công khố phiếu Hoa Kỳ mà Trung Quốc nắm giữ tính đến tháng 3 năm 2021 là 1,1 nghìn tỷ USD, và tổng thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc vào năm 2020 là 559,2 tỷ USD.