Đường dẫn truy cập

Nạn nhân vụ cháy Rạng Đông tự xoay sở sau thảm họa


Người dân kéo đến trụ sở công ty Rạng Đông đòi "đối thoại" vào ngày 6/9/2019.
Người dân kéo đến trụ sở công ty Rạng Đông đòi "đối thoại" vào ngày 6/9/2019.

Cách phản ứng của chính quyền đối với sức khỏe, tính mạng của nạn nhân bị ảnh hưởng bởi môi trường nhiễm độc sau vụ cháy nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông là ‘vô cảm’, cư dân địa phương nói với VOA Việt ngữ.

Một tuần sau cơn hỏa hoạn ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân, hôm 4/9, công bố môi trường ở khu vực này bị nhiễm độc và đề nghị Ủy ban Nhân dân Hà Nội phối hợp với Bộ Quốc phòng tẩy độc, trong khi trước đó không lâu, khuyến cáo khẩn cấp của Phó chủ tịch phường Hạ Đình về nguy cơ tồn dư chất độc hại trong môi trường do vụ cháy gây ra và hướng dẫn các biện pháp về an toàn sức khỏe đã bị Ủy ban Nhân dân quận Thanh Xuân yêu cầu thu hồi. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Hạ Đình cũng bị quận đề nghị kiểm điểm vì đã ra khuyến cáo ‘không đúng thẩm quyền’ ‘gây hoang mang dư luận.’

Một cư dân sinh sống gần khu vực xảy ra vụ cháy, ông Nguyễn Quang Việt, cho VOA biết: “Bây giờ ai có người thân thì tự lo lấy, nhà thì về quê, nhà thì qua nơi khác tá túc thôi. Chứ thông tin mà chính quyền đưa ra thì không tin được đâu. Họ vô cảm lắm. Chẳng may mình mang bệnh thì khổ mình, khổ gia đình thôi.”

Lãnh đạo thành phố Hà Nội nói đã ‘chỉ đạo rất quyết liệt’ và làm ‘tất cả những việc có thể’ để khắc phục hậu quả, đồng thời kêu gọi báo chí ‘cố gắng tuyên truyền’ để tạo sự đồng thuận trong nhân dân dù gần 3 tuần sau thảm họa, vẫn chưa có thông tin đầy đủ về mức độ thủy ngân phát tán ra môi trường, mức độ ảnh hưởng của vụ cháy, và biện pháp phục hồi.

“Ở Việt Nam mỗi lần xảy ra sự cố, tai nạn người ta hay tìm cách giấu thông tin, không công bố ngay đâu. Mà họ sẽ trao đổi, đàm phán với các bên liên quan, rồi tìm một giải pháp giảm nhẹ nhất cho đối tượng gây ra sự cố và nghe có vẻ an toàn nhất đối với cộng đồng rồi mới công bố. Vì thế, giờ đây người dân như chúng tôi cũng ít tin vào những thông tin mà chính quyền công bố nữa. Đây thực sự là một thực tế không thể chấp nhận được và những người nắm quyền hoàn toàn không phải do người dân bầu lên nên họ muốn làm gì thì làm,” ông Việt bức xúc.

Một cư dân khác ở Hà Nội, chị Nguyễn Thị Mai, cho biết các nạn nhân đang bị thiệt hại rất hoang mang, không biết cầu cứu nơi nào ngoài các biện pháp ‘tự xử’ trong khả năng cá nhân: “Tôi không thể tưởng tường đường rằng người ta lại coi thường mạng sống của những hộ gia đình sống trong khu vực bị ảnh hưởng như vậy. Thủy ngân thì ai cũng biết cực kỳ nguy hiểm khi phát tán ra môi trường. Vậy mà họ cứ bình chân như vại…mà tôi nghĩ sau này kể cả có ai bị bệnh vì nhiễm độc thủy ngân sau vụ cháy này cũng chẳng kêu ai được đâu. Mình bị thì mình thiệt thân, gia đình mình thiệt thôi. Đáng tiếc là không có gia đình ông bà quan chức nào ở đó cả.”

“Trong xã hội hiện đại, văn minh, và có nhân quyền thực sự thì sức khỏe và tính mạngcon người luôn được đặt lên cao nhất và được bảo vệ,” chị Lan Đỗ, một người Việt ở ngoại ô thủ đô Washington, theo dõi vụ cháy Rạng Đông qua các phương tiện truyền thông đa chiều, chia sẻ cảm nhận. “Nguyên tắc quan trọng và cũng là cơ bản nhất trong việc ứng phó khi thảm họa xảy ra mà ai cũng biết là chính quyền phải có cảnh báo sớm về các nguy cơ và hướng dẫn người dân các biện pháp đối phó, chứ không phải đợi đến khi có số liệu chứng minh rõ ràng. Trong trường hợp này, nếu đợi đến khi có số liệu quan trắc chính thức của Bộ Tài Nguyên và môi trường thì không biết đã có bao nhiêu người hít phải khói độc và nhiễm độc thủy ngân??? Ở Mỹ tôi thấy khi có bất kỳ sự cố nào xảy ra thì người ta lập tức cảnh báo tới người dân thông qua điện thoại di động, đài phát thanh và bất kỳ phương tiện nào khác,” chị Lan Đỗ một người sinh sống ở ngoại ô thủ đô Washington cho VOA biết thêm.

Giới chuyên gia nói thủy ngân có tính thăng hoa rất cao, khi bị cháy sẽ phát tán nhanh ra không khí, từ đó có thể thấm vào cơ thể con người, vào trong lòng đất và nguồn nước.

Xâm nhập vào cơ thể con người qua đường da, thủy ngân ‘sẽ đi thẳng vào các tế bào máu và các bộ phận khác trong cơ thể mà trong đó não là nơi tích tụ thủy ngân nhiều nhất,’ Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, nhà nghiên cứu môi trường ở Houston, bang Texas, Mỹ, khuyến cáo.

VOA Express

XS
SM
MD
LG