Đường dẫn truy cập

Nạn nhân chuyến bay giải cứu: ‘bị bỏ mặc, hút máu và đối xử tệ’


Các hành khách chuẩn bị đáp một chuyến bay giải cứu về Việt Nam
Các hành khách chuẩn bị đáp một chuyến bay giải cứu về Việt Nam

Các nạn nhân đi trên chuyến bay giải cứu đều nói với VOA rằng họ bị đại sứ quán của Việt Nam bỏ mặc, bị vắt kiệt tiền bạc, bị đối xử tàn tệ ở các trại cách ly và lên án những quan chức ‘ăn trên xương máu đồng bào’ nhân phiên tòa sơ thẩm vụ chuyến bay giải cứu vừa kết thúc.

‘Chuyến bay giải cứu’ là chính sách được cho là ‘nhân đạo’, ‘nghĩa tình đồng bào’ của chính quyền Việt Nam hồi cao điểm đại dịch COVID-19 để cứu những người Việt bị kẹt lại nơi xứ người, lâm vào cảnh khốn đốn.

Tuy nhiên, hành động ‘nhân đạo’ này hóa ra là cơ hội để các quan chức Việt Nam kiếm chác hàng trăm tỷ đồng từ các chuyến bay giải cứu bị tố cáo là ‘ăn tiền cắt cổ’. Tổng cộng đã có 54 quan chức và các chủ doanh nghiệp phải ra tòa về các tội ‘Hối lộ’, ‘Đưa hối lộ’, ‘Môi giới hối lộ’ và ‘Lợi dụng chức vụ quyền hạn’, trong đó có bốn án chung thân được tòa tuyên hôm 28/7.

‘Đại sứ quán dửng dưng’

“Hành động đó được xếp vào diện đỉa hút máu người. Trong khi các nước khác hỗ trợ công dân người ta thì nước mình lợi dụng việc đó để trục lợi, đẩy người dân vào tình huống dở khóc dở cười,” bà Nguyễn Minh Huệ, một nạn nhân chuyến bay giải cứu, bức xúc nói với VOA từ Hà Nội.

Lúc dịch bệnh bùng phát, bà Huệ ở Pháp cùng chồng và con nhỏ. Chồng bà là công dân Thụy Sỹ sống ở Pháp. Bà đi trên chuyến bay giải cứu từ Paris về thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 11 năm 2021.

Bà nói vợ chồng bà đã mua vé máy bay về Việt Nam vào cuối tháng 7 năm đó nhưng khi ra đến sân bay thì được thông báo là ‘thời điểm đó Việt Nam không cho bất cứ người nào về’. Khi đó, bà đã phát hoảng và cùng chồng đến tòa đại sứ Việt Nam ở Paris nhờ giúp đỡ.

“Lên đấy bọn mình không được bất cứ sự trợ giúp gì của Đại sứ quán cả. Họ hầu như dửng dưng trước sự việc. Họ coi như họ không có trách nhiệm, mặc dù chồng mình cầu xin.”

Bà nói lúc đó bà xem tin tức thì được biết chính quyền trong nước có chủ trương mở ‘chuyến bay giải cứu’. Khi bà hỏi Đại sứ quán thì được trả lời rằng ‘trên tivi nói thì lên tivi mà hỏi’.

Chồng bà do có công việc đầu tư ở Việt Nam nên đã xin được giấy phép lao động để được vào Việt Nam. Nhưng họ chỉ cho mỗi chồng bà về chứ ‘nhất định không cho vợ con về cùng’ dù bà có hộ chiếu Việt Nam, bà cho biết.

Vợ chồng bà đã bốn lần lái xe hơn 100 km từ nhà đến đến tòa đại sứ ở Paris để nhờ giúp đỡ, bà kể, và dù bà đã trình bày hoàn cảnh là visa sắp hết hạn, không biết lái xe, không biết tiếng, không có người thân ở Pháp và có con nhỏ nhưng họ vẫn nói ‘không’.

“Đại sứ quán bảo việc đó là việc của mình. Mình muốn được giải cứu thì phải nhờ người ở Việt Nam. Bao giờ họ nhận được công văn gửi sang Đại sứ quán nói đồng ý cho Đại sứ quán cấp cho giấy thông hành thì mình mới được phép bay trên chuyến bay giải cứu,” bà Huệ kể.

Theo lời bà miêu tả thì ở tòa đại sứ Việt Nam ở Paris khi đó ‘có rất đông người đến xin cứu giúp’ và tất cả đều đứng ở sảnh hỏi vào. “Người ta còn không thèm tiếp mình, chỉ có một người thò đầu qua cửa kính, ai hỏi gì thì đưa văn bản vào cho họ đọc xong rồi trả lời, chứ hỏi miệng họ không thèm trả lời, gửi email không hồi âm, gọi điện không ai nhấc máy.”

‘Lo lót ở Việt Nam’

Không được giúp đỡ, chồng bà khi đó đã quyết định về Việt Nam trước một mình, để hai mẹ con bà ở lại Pháp. Về đến Việt Nam, chồng bà đã nhờ người thư ký ‘chạy chọt lo lót thế nào đó’ để đưa vợ con về.

Bà nói mặc dù Đại sứ quán ở Pháp cho biết ‘nhiều người đăng ký quá nên chuyến bay giải cứu không còn chỗ’ nhưng khi ‘lo ở Việt Nam xong thì có suất về ngay’.

Đến đầu tháng 11 thì người thư ký của chồng bà mới báo là ‘đã lo xong’ và bà Huệ đã được cho về. Lúc đó bà mới nhận được email của Đại sứ quán ở Pháp thông báo giờ giấc chuyến bay và yêu cầu phải thanh toán tiền ở Việt Nam ngay lập tức thì mới được xuất vé. Ngoài tiền vé máy bay và chi phí cách ly mà người quen của bà thanh toán ở Việt Nam, bà nói còn phải chi thêm ‘tiền bồi dưỡng’. Tổng cộng hai mẹ con bà về hết gần 200 triệu đồng.

Cùng hoàn cảnh với bà Huệ, một nạn nhân chuyến bay giải cứu khác là bà Quỳnh nói với VOA rằng khi dịch bùng phát bà đang đi công tác ở Vilnius, Lítva, và bị kẹt ở đó. Bà Quỳnh nói với VOA từ Hà Nội nhưng không chịu tiết lộ đầy đủ họ tên vì ‘sợ bị chính quyền trừng phạt’.

Khi đó, visa của bà đã hết hạn và chính quyền nước sở tại do thông cảm với hoàn cảnh của bà đã gia hạn thêm cho ba tháng nữa. Bà nói bà đã cố gắng liên lạc các đại sứ quán Việt Nam trên khắp châu Âu để xin về vì ở các nước Baltic, Việt Nam không đặt tòa đại sứ.

“Các tòa đại sứ đều trả lời rằng vì tôi chưa tiêm vaccine nên không được bay giải cứu,” bà kể. Do đó, bà đã đến trung tâm tiêm chủng ở Vilnius để xin chích ngừa thì được họ yêu cầu là cần có xác nhận từ Đại sứ quán Việt Nam nhờ giúp đỡ công dân thì họ sẽ chích.

“Người ta kêu là người ta không có trách nhiệm hỗ trợ công dân trong việc tiêm vaccine như thế này,” bà Quỳnh thuật lại câu trả lời của Đại sứ quán Việt Nam ở Thuỵ Điển.

Sau đó, bên trung tâm tiêm chủng nói rằng họ không cần giấy tờ, chỉ cần người của Đại sứ quán Việt Nam gọi sang xác nhận thôi thì họ sẽ cho tiêm nhưng đại sứ quán vẫn nói là ‘chúng tôi không biết’, bà nói thêm.

Đối đế, bà Quỳnh phải ra trung tâm y tế địa phương khai là dân vô gia cư để được chích ngừa. Nhưng vì chích chui nên bà cũng không được cấp mã QR, điều kiện để được tự do đi lại cũng như lên máy bay, bà cho biết.

“Họ gây khó khăn để mình không đăng ký được chuyến bay giải cứu do Đại sứ quán tổ chức,” bà lên án Đại sứ quán Việt Nam.

Lúc đó, bà đọc được quảng cáo về dịch vụ chuyến bay giải cứu trên các hội nhóm trên Facebook. Họ bán vé về từ Đức hơn 80 triệu, bà nói, nhưng do bà không có mã QR nên sợ không được cho vào Đức. Họ khuyên bà mua vé bay từ Litva về Malaysia, vì lúc đó Malaysia cho vào tự do, sau đó đăng ký lên chuyến bay giải cứu ở Malaysia về Việt Nam.

Tiền vé bay từ Litva về Malaysia thì bà phải tự mua. Số tiền bà trả để được bay giải cứu về Việt Nam từ Malaysia là 69 triệu đồng, cộng thêm ‘tiền bồi dưỡng’ mười mấy triệu nữa tổng cộng gần 90 triệu đồng, bà kể, so với giá trọn gói bao gồm cách ly do Đại sứ quán ở Thụy Điển đưa ra là hơn 2.000 euro mà không có chỗ. Tuy nhiên, khác với đại sứ quán, dịch vụ bên ngoài không đòi hỏi gì về chích ngừa hay xét nghiệm. “Chỉ cần đóng tiền xong là xuất vé đi luôn,” bà nói.

“Họ nói nếu chích ngừa rồi thì họ thu xếp cho cách ly chỉ một tuần thôi, thay vì hai tuần, nhưng phải trả đủ tiền cho hai tuần.”

Chuyến bay giải cứu từ Malaysia về Cam Ranh, Khánh Hòa, mà bà Quỳnh đi hồi cuối tháng 12 năm 2021 ‘không còn một chỗ trống’, bà nói.

Khi được hỏi cảm giác khi về đến Việt Nam, bà Quỳnh bày tỏ: “Ối giời ơi, kiểu như xúc động ấy. Rất cảm ơn Đảng, Chính phủ đã cho mình về nước.”

“Ở lại Lítva sẽ chết, visa thì không được gia hạn nữa, không có tiền bạc để sống, không kiếm được tiền, công việc ở nhà không bỏ được, con nhỏ ở Việt Nam thì mới vài tháng tuổi nên bắt buộc phải về,” bà giãi bày. “Trong tình thế đó, có phải bỏ ra bao nhiêu tiền để được về cũng phải chịu.”

“Lúc đó cứ tưởng Nhà nước mở chuyến bay đó phải bỏ ra rất nhiều tiền, phải trợ giá nên mới được giá như vậy,” bà nói về cảm giác biết ơn lúc đó và cho biết bình thường đi từ Liva về Việt Nam ‘chỉ mười mấy, hai mươi triệu thôi’.

‘Cách ly tồi tệ’

Bà Quỳnh được đưa về cách ly ở Cam Ranh trong một tuần. Cách ly xong, bà mua vé bay về Hà Nội. Bà mô tả khu cách ly ‘mang tiếng là khách sạn mà như nhà trọ, rất tồi tàn’.

“Nó xuống cấp nhìn rất gớm, nhà vệ sinh rất tệ,” bà nói. “Hai người vào một phòng. Cơm hộp ngày ba suất. Ngày nào cũng bị chọt mũi test nhanh.”

Về phần mình, bà Nguyễn Minh Huệ đặt vấn đề trên chuyến bay của bà toàn bộ là người từ châu Âu, trong đó có Đức, Ba Lan, Hungary…, về Hà Nội nhưng ‘tại sao lại đưa chúng tôi về thành phố Hồ Chí Minh?’

Những hành khách trên chuyến bay của bà sau đó được đưa đến trung tâm cách ly vốn là ký túc xá dành cho sinh viên ở Bà Rịa. Bà cùng 5 người khác vào cùng một phòng trên tầng 5 mà bà mô tả là ‘giống như trại tập trung’.

Giường ngủ là giường có thanh sắt chỉ trải một tấm chiếu lên trên. “Họ lợi dụng cái đấy để bán cho mình đệm bông. Giá thị trường giỏi lắm chỉ 40-50 ngàn một chiếc mà họ bán đến 340 ngàn nhưng cuối cùng ai cũng phải mua,” bà kể.

Do có con nhỏ mà không được cấp nước nóng nên bà phải bỏ ra 380 ngàn đồng mua một chiếc bình đun siêu tốc. Khi ra khỏi trại, bà nói bà phải bỏ lại bình nước đó để họ lấy lại ‘bán tiếp cho người đến sau’.

Về khẩu phần ăn uống ở trại cách ly, bà mô tả là ‘cực kỳ khủng khiếp’, đến nỗi bà phải đi hái thêm rau, đu đủ ở xung quanh trại và phải trả thêm 450 ngàn mua một con gà cho con ăn mà ‘dai nhai không nổi’.

“Đói quá ai cũng phải mua thêm đồ ăn. Mà đâu có ai đem theo tiền Việt thì trong đó họ có dịch vụ đổi euro, đổi đô la, bao nhiêu cũng đổi hết.”

Trải nghiệm kinh hoàng nhất, theo lời bà, là khi kết quả xét nghiệm cho thấy ai đó bị dương tính mà bà mô tả là ‘bị đối xử như tội phạm’.

“Chỉ cần có một người bị nghi nhiễm thì thôi rồi. Họ phóng loa, gõ kẻng inh ỏi, sau đó họ dùng hết tất cả chất khử trùng phi vào phòng có người nhiễm xịt thẳng vào người, đem hết chăn chiếu ném ra ngoài sân, lùa hết mọi người trong phòng đó đi đến một khu khác,” bà kể.

Bà Huệ tố cáo ‘trại cách ly cố tình giữ kết quả xét nghiệm lần cuối’ để đến ngày cuối cùng mới thông báo khiến cho mọi người phải cập rập đặt vé bay về Hà Nội vào phút chót và phải chịu mức giá gấp hai, gấp ba lần.

‘Muốn được bồi thường’

Theo dõi phiên tòa chuyến bay giải cứu, bà Huệ nói bà thấy rất ‘uất ức’. “Cái dã man là chính những người đang trong tình cảnh khốn khổ nhất thì bị lợi dụng nhất,” bà bức xúc nói.

“Người Việt mình bị chính người Việt lột xương lột da. Nhà tôi chỉ có hai mẹ con, nhưng có gia đình có đến ba con nhỏ khốn khổ vô cùng.”

Bà nói bà ‘rất mong được bồi thường’ nhưng thừa nhận ‘khác nào hái trăng trên trời’ nên bà cũng đành ‘ngậm bồ hòn làm ngọt’.

Bà Quỳnh bày tỏ bà ‘không hài lòng với các bản án được tuyên’. “Vụ này lớn, người ta quan tâm nên xử rình rang như vậy thôi,” bà nói và cho rằng án chung thân thì chỉ sau vài năm nếu cải tạo tốt hay chạy chọt thì sẽ được ra tù.

Các bị cáo bị đưa ra xử có cả đại sứ và nhân viên sứ quán Việt Nam ở Nhật, Malaysia, nhưng nhiều nạn nhân, trong đó có bà Quỳnh, bà Huệ, khẳng định còn rất nhiều tòa đại sứ Việt Nam ở các nước khác, nhất là ở châu Âu và Mỹ, ‘chưa bị lôi ra ánh sáng’.

Bà Quỳnh nói bà ‘không quan tâm lắm đến án chung thân hay tử hình’ mà ‘chỉ mong họ trả tiền lại cho các nạn nhân’.

“Nói không phải chứ đi ăn cướp của người đi ăn cướp thì cũng là ăn cướp thôi,” bà nói, ý nhắc đến việc các bị cáo nộp tiền vào công quỹ để được giảm án.

VOA đã liên lạc các đại sứ quán của Việt Nam ở Pháp và Thụy Điển cũng như Bộ Ngoại giao Việt Nam để hỏi về những cáo buộc này cũng như công tác bảo hộ công dân nói chung trong thời kỳ cao điểm của dịch COVID-19. VOA cũng đã gửi câu hỏi đến lãnh đạo các tỉnh Khánh Hòa và Bà Rịa-Vũng Tàu về điều kiện cách ly người Việt hồi hương trong giai đoạn cuối năm 2021. VOA sẽ cập nhật bài báo khi nhận được phản hồi từ những cơ quan này.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG