Đường dẫn truy cập

Nam Triều Tiên bị khiếu nại vì buộc giáo viên nước ngoài xét nghiệm HIV


Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã nhận một đơn khiếu nại của một người phụ nữ New Zealand về tình trạng phân biệt đối xử ở Nam Triều Tiên, nơi đã tuyển dụng cô làm giáo viên tiếng Anh. Theo tường trình của thông tín viên VOA Steve Herman tại Seoul, vụ việc này đang thách thức quy định của Nam Triều Tiên, bắt buộc nhiều người nước ngoài làm việc tại nước này phải xét nghiệm HIV.

Những người đến Nam Triều Tiên để dạy tiếng Anh hay tham gia vào các ngành nghề khác buộc phải qua kiểm tra lý lịch hình sự và xét nghiệm ma túy lẫn HIV.

Công dân Nam Triều Tiên làm những công việc tương tự không bị buộc phải qua những cuộc kiểm tra chặt chẽ như vậy.

Một cựu giáo viên cho biết cô phải đi xét nghiệm HIV lần thứ hai trong vòng 9 tháng sau khi lần đầu cho kết quả âm tính. Cô đã khiếu nại lên Ủy ban Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Xóa bỏ Phân biệt Chủng tộc, còn gọi là CERD.

Ủy ban này bao gồm những chuyên gia độc lập giám sát việc thực thi Công ước về Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt Chủng tộc.

Lisa Griffin cho rằng những cuộc xét nghiệm HIV của Nam Triều Tiên chẳng khác nào một sự phân biệt chủng tộc. Cô nói rằng việc xét nghiệm bắt buộc này tạo thành kiến coi người nước ngoài là những đối tượng có nguy cơ nhiễm AIDS cao, khiến cho người dân địa phương có thái độ bài xích.

Griffin đã phải rời Nam Triều Tiên vào tháng 9 năm 2009 sau khi một trường tiểu học gần thành phố Ulsan từ chối gia hạn hợp đồng giảng dạy vì cô không chịu nộp kết quả tái xét nghiệm HIV theo quy định của bộ giáo dục.

Ông Benjamin Wagner, luật sư của cô và cũng là giáo sư ngành luật tại Đại học Kyunghee, nói cô đã nộp kết quả xét nghiệm mà bộ tư pháp bắt buộc

"Cô ấy đã thực hiện xét nghiệm HIV trước đó và tình trạng là âm tính. Và cô ấy cảm thấy không có lý do chính đáng buộc cô phải xét nghiệm HIV lần nữa vào thời điểm đó, ngoại trừ việc cô ấy là người nước ngoài."

Những nỗ lực của cô Griffin đòi Nam Triều Tiên thay đổi chính sách đã không thành công. Điều đó mở đường cho một vụ khiếu nại được đệ trình lên CERD ở Geneva, và CERD đã chấp thuận đơn khiếu nại của cô sau bảy tháng xem xét.

Giáo sư Wagner nói sự việc này đánh dấu lần đầu tiên công ước này được sử dụng để khắc phục tình trạng phân biệt chủng tộc kể trên ở Hàn Quốc. Ông nói:

"Về quy định xét nghiệm HIV lần hai, Bộ Giáo dục nói rằng họ không nghĩ giáo viên bị nhiễm HIV hoặc có khả năng lây lan trong lớp học. Họ chỉ muốn trấn an phụ huynh học sinh nên việc xét nghiệm này chỉ có tính biểu tượng. Xét nghiệm HIV là để cho người dân an tâm mà thôi.”

Trong một tuyên bố qua e-mail, cô Griffin, nay đang làm việc tại Mỹ, vui mừng trước việc ủy ban quốc tế chấp nhận khiếu nại của cô và bày tỏ sự thất vọng vì tiến trình phân xử vụ việc của cô đã thất bại ở Nam Triều Tiên.

Cô Griffin cho đài VOA biết ý kiến về vụ việc: "Việc giả định ai đó bị HIV dương tính và có thể là mối nguy cho sức khỏe cộng đồng chỉ vì lý do chủng tộc hay sắc tộc là sai trái. Phân biệt chủng tộc không có chỗ trong thế kỷ 21. Việc các cơ quan chính phủ nhắm mắt làm ngơ, chủ động duy trì hay cổ xúy những tư tưởng lỗi thời này là vô lương tâm. "

Chủ tịch Liên hội Phụ huynh Hữu khuynh mới, ông Kim Jong-il, nói việc bắt giáo viên nước ngoài xét nghiệm HIV phải được duy trì để bảo vệ sức khỏe của người dân Nam Triều Tiên.

Ông Kim nói rằng nhiều tên tội phạm đến Hàn Quốc giảng dạy và che giấu lý lịch của mình. Ông cho rằng, vì họ tiếp xúc với học sinh nhỏ tuổi nên việc thử nghiệm vẫn nên mang tính cách bắt buộc để cho tỷ lệ nhiễm AIDS tương đối thấp ở Nam Triều Tiên không tăng lên.
Một số nhà lập pháp cũng ủng hộ việc xét nghiệm bắt buộc đối với tất cả những người nước ngoài muốn làm việc ở quốc gia này.

Giáo sư Wagner nhấn mạnh hành động pháp lý của Griffin không có ý kêu gọi bỏ việc xét nghiệm HIV.

"Rõ ràng sức khỏe cộng đồng là điều rất quan trọng và việc xét nghiệm AIDS cần được khuyến khích. Nam Triều Tiên hoàn toàn có quyền bảo vệ sức khỏe công cộng vì lợi ích của chính nước này. Nhưng đâu là biện pháp tốt nhất để vừa thực hiện được điều này mà không làm tăng tình trạng phân biệt chủng tộc hay thái độ bài ngoại? Vì vậy, CERD nên đưa ra một số hướng dẫn và đó là mới là mục đích chính của vụ khiếu nại này.”

Ông Wagner bày tỏ tin tưởng rằng ông và thân chủ sẽ giành chiến thắng trong vụ khiếu nại này và điều đó sẽ tạo nên những thay đổi tích cực ở Nam Triều Tiên. Ông nêu ra điểm Nam Triều Tiên là một bên ký kết ràng buộc vào công ước chống phân biệt đối xử. Chính phủ Nam Triều Tiên có bốn tháng để phúc đáp đơn khiếu nại của cô Griffin, đã được chấp thuận tại Geneva vào ngày 10 tháng 7.

Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên thừa nhận với đài VOA rằng đã nhận được hồ sơ từ CERD vào tuần này. Giới chức cho biết họ đang tham khảo ý kiến với các cơ quan hữu quan trong nước và dự kiến sẽ có phúc đáp cụ thể.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, cựu bộ trưởng ngoại giao của Nam Triều Tiên, đã đích thân yêu cầu chính phủ bãi bỏ quy định bắt buộc xét nghiệm HIV đối với người nước ngoài.
Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên đã đưa ra một tuyên bố chung hồi năm 2010 nói rằng hai nước đã giảm bớt những hạn chế về HIV. Nhưng Nam Triều Tiên đã loại trừ việc xét nghiệm các giáo viên nước ngoài ra khỏi cam kết đó.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG