Đường dẫn truy cập

5 nhà hoạt động nữ quyền Trung Quốc được tại ngoại


Ảnh của các nhà hoạt động nữ quyền được trưng lên trong cuộc biểu tình ở Hong Kong kêu gọi trả tự do cho họ 11/4/15
Ảnh của các nhà hoạt động nữ quyền được trưng lên trong cuộc biểu tình ở Hong Kong kêu gọi trả tự do cho họ 11/4/15

5 phụ nữ tranh đấu nhân quyền nổi tiếng ở Trung Quốc đã được thả khỏi nhà giam sau khi bị bắt hơn một tháng. Theo tường thuật của thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA tại Hồng Kông, tương lai của những nhà tranh đấu này vẫn còn nhiều bất trắc.

Cảnh sát đã thả 5 phụ nữ, được gọi là Nhóm 5 chị em nữ quyền, ra khỏi nhà tù hôm Thứ hai, sau khi các công tố viên quyết định là không truy tố ngay những người này. Tuần trước cảnh sát yêu cầu các công tố viên truy tố các bà Lý Đình Đình, Ngô Vinh Vinh, Trịnh Sở Nhiên, Vi Đình Đình và Vương Mạn về tội tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng.

Bà Sophie Richardson, giám đốc bộ phận Trung Quốc của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, nói rằng các nhà tranh đấu này vẫn có thể sẽ bị giới hữu trách đưa ra toà xét xử:

"Tương lai của họ vẫn chưa rõ ràng. Về mặt pháp lý họ vẫn còn ở trong tình trạng có thể bị khởi tố. Họ có thể bị hạn chế nhiều hơn nữa về các quyền tự do dân sự, và cho tới thời điểm này, vẫn chưa rõ các công tố viên có ý định như thế nào đối với trường hợp này."

5 nhà hoạt động đã bị bắt trong một loạt những vụ đột kích bắt đầu ngày 6 tháng 3 tại các thành phố Bắc Kinh, Hàng Châu và Quảng Châu. Trước đó họ dự trù phát động một chiến dịch trên cả nước để chống lại tệ nạn sách nhiễu tính dục và phân phát truyền đơn và dán giấy quảng cáo trên các phương tiện chuyên chở công cộng nhân Ngày Phụ nữ Quốc tế.

Thoạt đầu cảnh sát điều tra những phụ nữ này về tội gọi là “cãi cọ, gây rối”, nhưng sau đó cảnh sát nói rằng những người này nên bị truy tố về tội tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng, một tội có thể bị tuyên án 5 năm tù.

Bà Richardson của tổ chức Human Rights Watch nhận định như sau về thái độ bất nhất của cảnh sát:

"Tôi nghĩ rằng một phần của những gì mà chính quyền muốn làm là tạo ra một cảm giác không chắc chắn và không rõ ràng về việc những hành vi nào là chấp nhận được hay không chấp nhận được. Và qua việc để cho sự thể tiếp tục ở trong tình trạng mơ hồ như vậy và để cho các nhà tranh đấu được tại ngoại với những điều kiện hết sức không rõ ràng, trên cơ bản là đòi họ có hạnh kiểm tốt, không ai biết rõ điều đó có nghĩa là gì. Và dĩ nhiên, điều đó làm cho các nhà hoạt động này rất dễ bị bắt trở lại.

Đảng Cộng Sản Trung Quốc lâu nay vẫn mạnh mẽ hô hào nam nữ bình quyền. Ông Mao Trạch Đông từng nói “phụ nữ chống đỡ một nửa bầu trời”, và dưới sự lãnh đạo của ông, Trung Quốc đã thực thi nhiều chính sách để cho nữ giới được bình đẳng hơn trong xã hội. 5 phụ nữ tranh đấu nhân quyền này đã tiến hành nhiều cuộc vận động trong nhiều năm mà không gặp sự can thiệp đáng kể nào từ phía chính quyền.

Năm 2012, 5 chị em nữ quyền này đã chiếm những cầu tiêu công cộng dành cho nam giới để đòi nhà cầm quyền xây dựng những cơ sở đồng đều cho nữ giới. Trước đó vài người trong số họ cũng phát động chiến dịch “Cô dâu dính máu”, trong đó họ mặc những chiếc áo cưới vấy máu để thu hút sự chú tâm của công chúng đối với tệ nạn bạo hành trong gia đình.

Bà Richardson của tổ chức Human Rights Watch cho rằng chính quyền Trung Quốc không muốn có những tiếng nói độc lập trong xã hội:

"Các giới chức chính phủ trong vài năm qua đã công khai nói tới những vấn đề về sách nhiễu tính dục, và do đó, khi nhìn thấy sự đối xử đối với những nhà tranh đấu về những công việc vẫn chưa xảy ra, tôi nghĩ rằng điều đó cho thấy chính phủ Trung Quốc rất đỗi lo lắng đối với những tiếng nói độc lập."

Cảnh sát sẽ giám sát 5 nhà hoạt động nữ quyền này trong vòng một năm và họ đã được lệnh phải thông báo cho chính quyền về bất kỳ những kế hoạch du hành nào mà họ định thực hiện.

Các luật sư của những phụ nữ này cho biết tuy hiện giờ họ được tự do nhưng họ có thể bị bắt lại bất cứ lúc nào.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG