Người đàn ông trẻ tuổi sắp ngất đi. Máu của anh dính bê bết trên chiếc áo sơ mi trắng của người mà anh đang tựa vào. Những người xung quanh vẫn tới tấp nện đá vào đầu anh trong cơn phẫn nộ gần như không kiềm chế được. Họ cho rằng anh đáng chịu hình phạt này vì hành động khiêu khích cao độ của anh và bạn anh.
André Menras, một giáo viên người Pháp dạy học ở Sài Gòn, đã cùng bạn biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam với lá cờ Việt Cộng trên tượng đài Thủy quân lục chiến trước Hạ nghị viện. Hôm đó là ngày 25 tháng 7 năm 1970. Hành động này đã khiến hai người họ bị chính quyền Sài Gòn bỏ tù hai năm rưỡi và bị trục xuất ngay sau khi phóng thích.
Nhưng Việt Nam đã biến đổi Menras và trở thành một phần con người ông. Nó như một con đường mà định mệnh đã sớm an bài cho ông khi ông đặt chân lên đó lần đầu tiên vào năm 1968. Chiến tranh và chết chóc đã thổi bùng và hun đúc lý tưởng nhân văn nơi ông. Ông chưa bao giờ rời bỏ con đường đó.
“Khi tôi mới từ Pháp tới, tôi chỉ là một đứa trẻ lớn xác,” ông nói. “Nước Việt Nam trong chiến tranh và những người dân chịu đau khổ đã biến tôi thành một người đàn ông.”
Nhân dịp 50 năm sự kiện biểu tình gây chú ý đó, VOA Nhìn Lại Lịch Sử giới thiệu một phim ngắn do chúng tôi sản xuất với sự cộng tác của ông Menras kể lại hành trình cuộc đời ông trên con đường Việt Nam.