Hiện tượng El Nino đem mưa bão đến California mấy tuần qua là tin vui người dân ở đây đang mong đợi, sau bốn năm hạn hán kéo dài. Tuy mưa nhiều, nhưng miền bắc tiểu bang đã có đêm vọng Giáng Sinh 2015 và Giao thừa Tết tây 2016 khô ráo để các sinh hoạt trong gia đình cũng như ngoài đường diễn ra trong không khí ấm áp và nhộn nhịp.
Đối với người theo đạo Thiên Chúa, ngày Giáng Sinh là bắt đầu một niên lịch phụng vụ mới trong thánh đường vì thế đa số dân chúng Mỹ coi đó như ngày tết với quà tặng nhau, gia đình sum họp. Còn 1/1 là ngày đầu của năm dương lịch. Nếu vui đón Giáng Sinh mang nặng không khí gia đình thì Tết dương lịch là ngày để ra ngoài vui chơi tại các khán phòng trong khách sạn, ở hàng quán, hay ra phố đông người chờ count down, xem bắn pháo hoa vào đúng nửa đêm chào đón năm mới. Những thành phố lớn đều có nhiều tụ điểm để du khách đổ về đón mừng năm mới với tiệc tùng, rượu chè, ca nhạc, khiêu vũ.
Cộng đồng người Việt vùng San Jose trước đây cũng đã có nhiều sinh hoạt được tổ chức vào đêm giao thừa Tết để count down. Những năm gần đây sinh hoạt này vắng đi, không biết vì kinh tế suy trầm, thiếu bầu sô hay tổ chức những sinh hoạt cuối năm không sinh lời nhiều. Cuối năm qua, trên báo, trên đài có quảng cáo một chương trình đón Tết Tây với nhiều ca sĩ từ Việt Nam qua, sau đó lại thông báo hủy bỏ.
Ở Mỹ, nổi tiếng nhất là giao thừa tại Time Square, New York City với cả triệu người tụ tập về, tràn ngập các khu phố quanh quảng trường để thưởng thức những chương trình ca nhạc và count down 10, 9, 8 … 3, 2, 1, 0 là khi trái cầu điện được thả xuống tỏa sáng đúng giây phút giao thừa. Nhiều nơi khác từ Philadelphia, Miami, Atlanta đến Las Vegas, Los Angeles, Seattle, San Francisco đều có những khu phố nơi dân đổ về đón giao thừa với màn bắn pháo hoa tỏa sáng trên bầu trời vào giữa đêm.
Những năm mới đến Mỹ, định cư ở vùng Vịnh San Francisco, tôi ít ra ngoài ban đêm vì chưa quen khí hậu lạnh. Một đôi lần ra ngoài vào đêm giao thừa Tết tây hay đi xem diễn hành đón tết của người Hoa cũng tổ chức vào chiều tối một ngày trong tháng Hai.
Lúc còn là sinh viên, bốn năm đứa bạn chất nhau lên chiếc xe cũ mèn chạy qua phố Tầu San Franicsco ăn mì rồi thả bộ xuống khu đèn đỏ Broadway chờ count down. Khi kim đồng hồ chỉ số 12, du khách thổi các loại kèn, nhiều nhất là loại kèn giấy thổi thành tiếng kêu to và dài ra như vòi voi, cùng lúc tiếng chúc mừng vang lên từ sân khấu: “Happy New Year”, bong bóng thả lên bầu trời, không có bắn pháo bông mà chỉ nghe tiếng pháo cầm tay giật nổ tung lên không gian với những tia giấy mầu.
Thời đó ở khu tài chính thương mại của San Francisco còn truyền thống là trưa ngày 31/12, trước khi rời văn phòng ra về nhân viên ném những tờ lịch để bàn của năm cũ qua cửa sổ. Phố Montgomery, phố California vào trưa giao thừa với muôn vàn tờ lịch, như những cánh bướm giấy phất phơ bay trong nắng trong gió trông rất đẹp mắt. Truyền thống này từ đầu thập niên 1990 không còn nữa vì thành phố không muốn tốn tiền quyét dọn rác và cũng vì có chính sách thu góp giấy để tái sinh ở khắp nơi.
Như nhiều năm qua, năm nay gia đình tôi họp mặt đông vui bên cây Giáng Sinh, bên bàn tiệc. Dù vẫn có những sinh hoạt Tết ta nhưng Giáng Sinh là dịp thuận tiện nhất vì có nhiều ngày nghỉ cuối năm, dễ cho anh em sum họp. Hai chục năm trước gia đình chỉ hơn 20 người, mỗi năm thêm con cháu, thêm các em đoàn tụ, nay dân số cũng đã gấp đôi.
Sau ngày lễ, chúng tôi rủ nhau đi chơi tuyết trên vùng Lake Tahoe. Những mùa đông trước vùng đồi núi này rất ít tuyết vì thiếu mưa từ đồng bằng, nay tuyết đã xuống nhiều sau vài tuần mưa bão. Tin thời tiết mỗi ngày đều dự báo tuyết rơi ở độ cao 5 nghìn bộ trở lên và có hôm tuyết đã xuống khu vực dưới 3 nghìn bộ.
Lái xe hơn một giờ là vào đường núi đèo, một lúc sau thấy tuyết bên đường và càng lên cao những hàng thông xanh càng có nhiều tuyết phủ. Cảnh đẹp như trong mơ. Nhưng đi trong lúc tuyết không đổ thôi, còn tuyết rơi mà lái xe lo lắm, sợ trơn trượt nên không còn hồn trí nào để thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên. Thực ra tôi đi xem tuyết chứ đâu biết trượt. Lên đây cho đám trẻ nhỏ chơi tuyết trong một ngày trời nắng đẹp tuyệt vời, trước khi bão tuyết lại đổ về.
Đêm giao thừa vợ chồng tôi qua San Francisco. Năm nay trời quang và ấm hơn, nhiệt độ lúc nửa đêm chừng 45 độ F nhưng chen chúc với đoàn người và cảm thấy ấm hơn. Khu Ferry Building, tức bến phà, có ngọn tháp trăm tuổi tỏa sáng với số 50 báo hiệu Superbowl lần thứ 50 sẽ diễn ra tại vùng vịnh vào đầu tháng Hai tới. Dọc theo đường Market và Embarcadero kéo dài đến sân vận động AT&T tràn ngập du khách đổ về dọc theo bờ vịnh xem bắn pháo bông đón mừng năm mới. Ngày còn nhỏ ở quê nhà thường được bố đưa đi xem bắn pháo bông dưới Bến Bạch Đằng bên bờ sông Sài Gòn vào dịp Quốc Khánh 26/10 nên bây giờ tôi vẫn thích nhìn, nghe pháo nổ tỏa sắc mầu trên không gian vào dịp Lễ Độc Lập 4/7, giao thừa hay khi có những trận đấu bóng chày. Pháo bông ở Mỹ đẹp dồn dập và kéo dài lâu nhất, ý nghĩa nhất là tối ngày 4/7 với muôn hoa muôn sắc nở trên bầu trời hòa trong lời ca tiếng nhạc của “God Bless America”, “America the Beautiful” hay “This Land is Your Land” làm phấn khởi trong lòng vì đang được sống ở một đất nước tự do, bình đẳng.
Tết ta năm nay rơi vào ngày thứ Hai 8/2. Chắc chắn đây cũng sẽ là dịp nhiều gia đình người Việt ở Mỹ sum họp xem trận Super Bowl 50th vào chiều tối Chủ Nhật 7/2 và luôn thể đón giao thừa Bính Thân. Đêm đó người Việt nhiều nơi ở Mỹ sẽ đốt pháo đón Tết và mừng chiến thắng với đội banh cà-na vô địch.
Nghĩ đến Tết lại nghĩ về quê nhà. Mấy tuần qua, trên không gian mạng lề dân bùng lên những bàn luận sôi nổi quanh sự kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII sẽ diễn ra trước Tết. Ai đi ai ở, ai vẫn cũ, ai sẽ đem lại cải cách cho đất nước đã được đem ra mổ xẻ, cùng với những tấn công, tố cáo lẫn nhau. Tuy sôi nổi trên mạng, chẳng ai xuống đường vận động cho các ứng cử viên mà danh tính còn trong vòng bí mật. Người dân Việt đến nay cũng chẳng có quyền chọn người lãnh đạo cho đất nước. Quyền đó vẫn nằm gọn trong tay Đảng Cộng sản Việt Nam từ hơn 70 năm, qua các đại hội đảng chứ không qua phổ thông đầu phiếu với ứng cử viên của nhiều đảng. Cuối tháng này chỉ có 1500 đảng viên cộng sản là người trong trung ương đảng sẽ bầu chọn ra những lãnh đạo cao nhất nước để lèo lái con thuyền quốc gia trong 5 năm tới.
Trong khi ở Mỹ, tháng 11 năm nay có bầu cử tổng thống và từ nhiều tháng qua Hillary Clinton, Bernie Sanders, Donald Trump, Marco Rubio, Ben Carson, Ted Cruz và cả chục ứng viên nữa đã và đang bay ngang dọc nước Mỹ để vận động cử tri.
Gần với Việt Nam, ở Myanmar năm qua có bầu cử tự do với đảng đối lập thắng lớn và sẽ lên nắm quyền vào tháng tới. Bên Đài Loan đang có tranh cử tổng thống và Dân tiến Đảng có nhiều hy vọng đánh bại Quốc dân Đảng đang cầm quyền.
Nhắc đến năm ta, những ngày còn ở quê nhà, đất nước triển miên loạn lạc nên đã được nghe câu sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Thân Dậu niên lai kiến thái bình”, nhưng thái bình, thịnh vượng vẫn chưa đến với quê hương Việt Nam. Nay lại sắp là năm Thân 2016, rồi năm Dậu 2017, như vậy có hy vọng gì cho đất nước được tốt đẹp hơn không?
Mười hai con giáp tôi nhớ, nhưng 10 can thì không. Coi lịch của Lee’s Sandwiches tặng, có ngày ta nên tôi biết Tết sắp đến là Bính Thân, nhưng hỏi tôi năm tới nữa là Tết gì gì Dậu thì chịu.
Với 12 con giáp, tôi đoán nhiều cha mẹ Việt đã đặt tên cho con theo năm sinh. Nhìn lại lịch sử Việt Nam, một số nhân vật tôi còn nhớ và nghĩ rằng tên của họ được đặt trùng với con vật biểu tượng năm sinh. Như nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với bài hát “Dư âm”, Quốc trưởng Phan Khắc Sửu của Việt Nam Cộng hoà, thi sĩ Trần Dần, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Vũ Mão, Nhạc sĩ bác sĩ Trương Thìn trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, Thống tướng Lê Văn Tỵ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ, sinh năm 1954 qua đời năm 2014 sau khi Dương Chí Dũng khai báo đã có nhận tiền hối lộ, hay nửa thế kỷ trước có cô học trò tên Ngọ được nhà thơ Phạm Thiên Thư đưa vào thi ca và nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc “Ngày xưa Hoàng Thị” đã được sinh viên học sinh miền Nam thời trước 1975 yêu thích. Mùi là tên của một đứa bé ở đợ, sau lại làm vợ một anh trong gia đình người chủ đã được đạo diễn Trần Anh Hùng đưa vào phim “Mùi đu đủ xanh”, Thiếu tướng Lê Văn Thân, nguyên tỉnh trưởng Thừa Thiên Huế, sau năm 1975 đi tù cải tạo 17 năm rồi qua Mỹ định cư. Chị Dậu trong tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố.
Tôi không nhớ ra một nhân vật nào có chút tiếng tăm tên Tuất mà chỉ biết thời trung học có một bạn quen, sau đó đi lính và bị thương. Hợi trong lịch sử cũng không có ai nổi bật, ngoài ông hàng xóm ở quê cũ chuyên xây nhà.
Năm mới vừa qua vài hôm nhưng tình hình chứng khoán tài chánh không lấy gì làm khởi sắc từ đông sang tây. Ngày thứ Hai đầu tiên của năm 2016 thị trường chứng khoán Trung Quốc bị bán đổ bán tháo, mất 7% nên phải ngưng hoạt động. Qua ngày thứ Năm cũng quá nóng vì cổ phiếu bán đi quá nhiều nên phải đóng cửa sau nửa giờ hoạt động và ảnh hưởng đã lây lan cả thế giới. Chỉ số Dow Jones của Mỹ trong ngày thứ Năm mất gần 400 điểm (2.3%) và Nasdaq mất gần 150 điểm (3%). Các nước châu Âu cũng rớt từ 2 đến 5%.
Bốn ngày đầu năm, Dow Jones đã mất gần 900 điểm, Nasdaq mất hơn 300. Xem ra thế giới năm 2016 sẽ không khá vì những dấu chỉ đầu năm cho thấy con đường suy trầm kinh tế đang hiện ra trước mặt.
Như thế Tết con Khỉ sắp đến ở phương Đông, đặc biệt là ở Trung Quốc và Việt Nam, sẽ có đem lại hy vọng và niềm vui cho dân?
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.