Đường dẫn truy cập

2020 là năm tệ nhất cho tăng trưởng kinh tế Mỹ kể từ Thế chiến II


Tư liệu: Hàng trăm người xếp hàng bên ngoài Trung tâm Nghề nghiệp Kentucky hi vọng được trợ giúp điền đơn khai thất nghiệp ở Frankfort, bang Kentucky, Mỹ, ngày 18 tháng 6, 2020.
Tư liệu: Hàng trăm người xếp hàng bên ngoài Trung tâm Nghề nghiệp Kentucky hi vọng được trợ giúp điền đơn khai thất nghiệp ở Frankfort, bang Kentucky, Mỹ, ngày 18 tháng 6, 2020.

Nền kinh tế Mỹ co cụm 3,5% trong cả năm 2020 khi đại dịch virus corona gây tổn hại cho các công xưởng, doanh nghiệp và hộ gia đình, đẩy tăng trưởng kinh tế của Mỹ xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ khi Mỹ cắt giảm chi tiêu thời chiến vào năm 1946.

Báo cáo do Cục Phân tích Kinh tế của chính phủ Mỹ công bố ngày thứ Năm ước tính tổng sản phẩm quốc nội của đất nước - tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ - đã giảm mạnh trong quý bốn từ tháng 10 tới tháng 12 so với mức tăng kỉ lục 33,4% trong quý ba từ tháng 7 tới tháng 9. Mức tăng đó diễn ra sau đợt lao dốc kỉ lục 31,4% hàng năm trong quý hai từ tháng 4 tới tháng 6, khi nền kinh tế rơi tự do.

“Năm 2020 chưa có tiền lệ trong lịch sử kinh tế hiện đại,” David Wilcox, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson và là cựu giám đốc bộ phận kinh tế nội địa tại Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, được báo The Washington Post dẫn lời nói. “Đại dịch cúm năm 1918 và 1919 xảy ra trước hệ thống thống kê kinh tế hiện đại của chúng ta, và kể từ Thế chiến thứ Hai, chưa bao giờ có sự co cụm nào thậm chí gần giống như mức độ nghiêm trọng và phạm vi của sự sụp đổ lúc ban đầu trong năm 2020.”

Đây là lần đầu tiên nền kinh tế co cụm trong cả một năm kể từ 2009, khi GDP giảm 2,5% trong giai đoạn trầm trọng nhất của cuộc Đại suy thoái những năm 2008-2009. Lần lao dốc tồi tệ thứ hai là vào năm 1946. Lúc đó nền kinh tế co cụm 11,6% khi Mỹ điều chỉnh guồng máy thời hậu chiến.

Triển vọng cho năm 2021 vẫn còn mù mờ. Các nhà kinh tế cảnh báo một sự hồi phục bền vững khó có thể duy trì cho đến khi vaccine ngừa COVID-19 được phân phối và tiêm chủng trên toàn quốc và các khoản tiền cứu trợ do chính phủ cung cấp lan tỏa khắp nền kinh tế - một quá trình có thể mất nhiều tháng, theo AP. Trong khi đó, hàng triệu người Mỹ vẫn chật vật sinh tồn.

Chẳng hạn, hôm thứ Năm, chính phủ báo cáo số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm vào tuần trước, song vẫn ở mức cao lịch sử 847.000. Đây là bằng chứng cho thấy các công ty tiếp tục cắt giảm việc làm trong khi đại dịch tiếp tục hoành hành. Trước khi virus bùng phát ở Mỹ vào tháng 3 năm ngoái, số đơn xin trợ giúp thất nghiệp hàng tuần chưa bao giờ lên đến con số 700.000, ngay cả trong thời kì Đại Suy thoái.

Tác động to lớn của đại dịch đối với nền kinh tế vào đầu mùa xuân năm ngoái chấm dứt quá trình tăng trưởng kinh tế dài nhất từng được ghi nhận của Mỹ - gần 11 năm. Thiệt hại do virus gây ra khiến GDP giảm với tốc độ 5% hàng năm trong quý một, từ tháng 1 đến tháng 3 năm ngoái. Kể từ đó, hàng ngàn doanh nghiệp đã đóng cửa, gần 10 triệu người không có việc làm và hơn 400.000 người Mỹ chết vì virus.

Đối với những chủ doanh nghiệp nhỏ như Tiffany Nguyen, 2020 là một năm thảm hại cho việc làm ăn buôn bán của bà ở Little Saigon, miền nam bang California, nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh.

Bang đông dân nhất của Mỹ này ngày thứ Hai đã dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa vì tình hình COVID-19 được cải thiện, cho phép một số cơ sở kinh doanh mở cửa trở lại. Dù vậy quán phở của bà vẫn chưa được phép cho khách ngồi ăn bên trong mà phải ngồi ngoài trời với những hạn chế nhất định. Bà ước tính lượng khách của quán đã giảm 30-40% kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm ngoái tới giờ.

Nhiều hàng quán xung quanh đã đóng cửa vì không thể kham nổi chi phí, bà nói. Nhưng bà không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh để bảo tồn một di sản của gia đình.

“Nhiều lúc hàng tháng cũng chưa đủ để trả tiền nhà, nhưng mà hiện thời cũng phải ráng chứ mẹ tôi mở tiệm này đã ba mươi mấy năm rồi, từ năm 1986,” bà nói.

Christie Nguyen, chủ tiệm làm móng ở thành phố Tustin, cho biết cô “phấn khởi” khi hay tin các cơ sở chăm sóc sắc đẹp ở California được phép hoạt động trở lại sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Mấy ngày qua, cô và các nhân viên tất bật chuẩn bị để mở cửa vào ngày thứ Sáu.

Cô nói 2020 là một năm vô cùng khó khăn vì cả năm tiệm của cô chỉ mở cửa được khoảng 15% thời gian. Nhưng cô hy vọng những ngày đen tối nhất đang dần qua đi ở California.

“Hành trình này đã thử thách chúng tôi, đẩy chúng tôi đến giới hạn và bây giờ chúng tôi đang bám víu một cách mong manh,” cô nói bằng tiếng Anh. “Nhưng chúng tôi hy vọng đây là lần đóng cửa cuối cùng và chúng tôi có thể phục vụ cộng đồng của mình.”

Trong khi các doanh nghiệp nhỏ chật vật sinh tồn giữa đại dịch, nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng nếu không có hỗ trợ tài chính của chính phủ, nền kinh tế có nguy cơ không chống chọi được với một cuộc suy thoái khác. Họ lưu ý rằng phần lớn viện trợ cho các cá nhân từ gói 900 tỉ đôla được cấp vào cuối năm ngoái sẽ hết hạn vào giữa tháng 3.

Tổng thống Biden đã đề xuất một gói cứu trợ kinh tế trị giá 1,9 ngàn tỉ đôla với tiền cứu trợ cho từng người dân Mỹ, các thành phố và các bang, cũng như cho hoạt động xét nghiệm virus và vaccine, cùng các điều khoản khác.

Lãnh đạo khối Đa số ở Thượng viện Chuck Schumer thuộc Đảng Dân chủ cho biết ông dự định sẽ xúc tiến gói cứu trợ này vào tuần tới, dù có hay không sự ủng hộ của các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa. Nhiều thượng nghị sĩ của đảng này nói rằng đề xuất này quá tốn kém và không cần thiết vì Quốc hội đã thông qua gói cứu trợ 4 ngàn tỉ đôla, bao gồm 900 tỉ đôla hồi tháng 12.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG