Đường dẫn truy cập

Nền Dân chủ Mỹ bị đe dọa?


Buổi điều trần về vụ 6 tháng Giêng tại tòa nhà Quốc Hội Mỹ.
Buổi điều trần về vụ 6 tháng Giêng tại tòa nhà Quốc Hội Mỹ.

Các chính khách, Dân chủ cũng như Cộng Hòa, nhiều người đang quên lãng, hoặc vứt bỏ các quy tắc cư xử hòa nhã, tương kính, vốn vẫn là nền nếp lâu đời trong đời sống chính trị của nước Mỹ. Họ đang đe dọa chế độ tự do dân chủ.

Trong cuộc họp thượng đỉnh ở Los Angeles với các nhà lãnh đạo Trung và Nam Mỹ, Tổng thống Joe Biden hô hào cùng bảo vệ thể chế tự do dân chủ. Ông Biden không nói đến nước ông, nhưng chế độ dân chủ ở Mỹ đang bị đe dọa.

Hành pháp bị đe dọa. Nhiều nhóm vũ trang thành lập nói mục đích rõ ràng là lật đổ chính quyền trung ương; họ tự xưng là “dân quân” cho giống những người dân thuộc địa Bắc Mỹ nổi loạn chống Anh hoàng. Năm 1995, một thanh niên 27 tuổi đặt bom phá một tòa nhà thuộc chính phủ liên bang ở Oklahoma City, làm chết 168 người.

Lập pháp bị đe dọa. Nhiều người đã tấn công cảnh sát, leo tường, nhảy cửa sổ, các đại biểu quốc hội đang họp phải chui xuống hầm bí mật trốn mấy tiếng đồng hồ. Trong ba tháng đầu năm 2021 Cảnh sát ở Quốc hội đã ghi nhận 4,100 vụ đe dọa tánh mạng các đại biểu.

Bây giờ đến lượt Tối cao pháp viện. Cảnh sát đã phải đến bảo vệ nhà riêng của mấy vị thẩm phán tối cao bị dọa giết.

Có thể nói rằng những biến cố này rồi sẽ qua đi, hệ thống chính trị dân chủ vẫn tồn tại, dân Mỹ tiếp tục nêu gương cho khát vọng sống tự do của loài người khắp thế giới.

Tất nhiên, các ông Vladimir Putin và Tập Cận Bình không tin như vậy. Muốn thuyết phục những người nghi ngờ tương lai nền dân chủ, người Mỹ cần phải tự đặt câu hỏi với chính họ.

Chế độ Dân chủ cần hiến pháp phân quyền và bầu cử tự do, nhưng chưa đủ. Quan trọng hơn nữa là những nền nếp trong đời sống chính trị. Mỗi người dân, hay ít nhất đại đa số người dân phải sống theo các nền nếp đó một cách tự nhiên, tạo thành thói quen như thở không khí hàng ngày.

Một thói quen là tôn trọng những ý kiến khác với mình. Không coi phe cánh mình chiếm độc quyền lẽ phải, độc quyền sự thật. Không lăng mạ, miệt thị những người chống lại quan điểm, chủ trương của mình. Nhất là không dọa giết họ.

Một nền nếp rất quan trọng là tôn trọng kết quả các cuộc bỏ phiếu. Người thua phiếu chấp nhận mình thất cử. Muốn tỏ ra hòa nhã, còn khen ngợi ứng cử viên thắng cử, dù chỉ thua một phiếu.

Tất nhiên, nền tư pháp phải độc lập và mọi người phải tôn trọng các phán quyết của tòa án.

Đó là những nền móng của tòa nhà dân chủ tự do.

Có thể đối phó dễ dàng với những người chống đối quyền Hành pháp, vì họ nắm trong tay quân đội, cảnh sát và rất nhiều lực lượng có súng khác. Quyền Lập pháp và Tư pháp phải nhờ Hành pháp bảo vệ trước bạo lực.

Ngày 6 tháng Giêng năm 2021, lần đầu tiên Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Mỹ bị tấn công, kể từ thế kỷ 19 trong trận chiến sau cùng với quân dội Anh hoàng. Những người chủ mưu muốn quốc hội ngưng đếm phiếu cử tri đoàn chính thức hóa kết quả cuộc bầu cử tổng thống. Công việc của Quốc hội chỉ có tính chất hình thức, xác nhận những kết quả do các tiểu bang đã gửi tới. Năm mươi tiểu bang đã gửi tới Washington các thùng phiếu trong các hộp gỗ niêm bằng dây da, đặt trên sàn nhà Thượng viện. Nghị viện các tiểu bang đã xác nhận danh sách cử tri đoàn của họ theo cuộc kiểm phiếu.

Biến cố ngày 6 tháng 1, 2021 là một vụ “nổi loạn” vì mục đích của những người chủ mưu là ngăn cản một hoạt động của guồng máy quốc gia: Xác nhận theo kết quả một cuộc bầu cử. Nhiều người đòi treo cổ Phó Tổng thống Mike Pence, vì ông tuyên bố không có thẩm quyền thay đổi kết quả cuộc bầu cử. Bốn người tử nạn trong cuộc đụng độ và sau đó thêm năm cảnh sát viên chết.

Biến cố 6 tháng 1 đe dọa tương lai nền dân chủ. Nếu không giải quyết đến cùng, sẽ tạo một tiền lệ nguy hiểm. Cựu Tổng thống Donald Trump không chấp nhận mình thất cử; mặc dù tất cả các vụ kiện về bầu cử gian lận đã bị tòa án bác bỏ, trong đó có các quan tòa do chính ông bổ nhiệm kể cả ba thẩm phán tối cao. Nhiều người tin ông Trump, đã lôi kéo theo các chính trị gia khác. Các ứng cử viên tổng thống sau này khi thất cử chỉ cần hô lớn “bầu cử gian lận” là có lý do từ chối và trì hoãn việc chuyển giao quyền hành. Họ có thể dùng đám đông áp đảo mọi người, nhất là các đại biểu quốc hội; thay vì căn cứ vào lá phiếu. Nhiều người sẽ mất tin tưởng vào tất cả các cuộc bỏ phiếu từ lớn đến nhỏ, không còn tin vào hệ thống chính trị. Thế giới sẽ bớt tin tưởng vào nền dân chủ Mỹ.

Bây giờ đến lượt Tối cao pháp viện. Ngày Thứ Năm, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố một thanh niên 26 tuổi vì ngày hôm trước anh ta thú nhận đã mang súng và đạn tới nhà Thẩm phán tối cao Brett M. Kavanaugh; với ý định giết ông. Nicholas John Roske nói lý do là anh nghĩ rằng ông Kavanaugh sẽ giảm bớt các luật lệ kiểm soát súng và cùng các thẩm phán tối cao bảo thủ khác sẽ cấm phá thai khi xóa bỏ án lệnh Roe v. Wade.

Trước đây đã có nhiều người bị án tù tội đi giết các vị quan tòa để trả thù. Nhưng đây là một âm mưu giết thẩm phán vì lý do chính trị. Điều nguy hiểm là có các nhà chính trị đã khích động ra hành động này khi họ công kích các vị thẩm phán. Họ dùng một thứ ngôn ngữ tương tự như khi cựu Tổng thống Trump nói đến “Chức Tổng thống bị ăn cắp.”

Nghị sĩ Edward J. Markey (DC-Mass.) cũng gọi tên “Tối cao pháp viện bị ăn cắp” trước đám đông biểu tình ở thủ đô Washington. Ông kêu gọi “lấy lại hai ghế thẩm phán tối cao bị ăn cắp.” Ông Markey nhắm vào hai vị thẩm phán tối cao, Neil M. Gorsuch và Amy Coney Barrett. Cả hai vị đều vào tòa án tối cao nhờ thủ thuật chính trị của Nghị sĩ Mitch McConnell, trưởng khối đa số Cộng Hòa đa số ở Thượng viện, trong thời gian ông có quyền. Đầu năm 2016 một thẩm phán Tối cao pháp viện qua đời, cựu Tổng thống Barack Obama đã đề cử một người thay thế. Nhưng ông McConnell quyết định “ngâm” không đưa ra nghị trường, nói rằng nên để cho dân chúng Mỹ quyết định trong cuộc bầu cử tháng 11 năm đó, khi họ chọn vị tổng thống mới. Sau khi thắng cử, Tổng thống Donald Trump đã đề nghị ông Neil M. Gorsuch và được thông qua ngay. Sau đó, ông Trump còn cơ hội để cử Thẩm phán Brett M. Kavanaugh, được Thượng viện phong nhậm. Cuối năm 2020, Tối cao pháp viện lại có chỗ trống. và chỉ còn dưới hai tháng dân sẽ đi bỏ phiếu, Tổng thống Trump đề cử bà Thẩm phán Amy Coney Barrett và ông Mitch McConnell đã đưa ra thảo luận và phong nhậm ngay.

Lối nói “Ghế thẩm phán tối cao bị ăn cắp” cũng nguy hiểm không khác gì khi tiếp tục rêu rao “Chức Tổng thống bị ăn cắp.” Cả hai đều là thái độ quá khích, cực đoan. Bởi vì các vị thẩm phán tối cao đã được phong nhậm theo đúng các thủ tục và luật lệ; cũng như vị tổng thống do dân bầu và đã được quốc hội phê chuẩn.

Một điều nguy hiểm đe dọa nền dân chủ nước Mỹ là các luận điệu quá khích như thế đã trở thành bình thường, “chuyện hàng ngày ở huyện!” Các nhà chính trị, Dân chủ cũng như Cộng Hòa lên tiếng đả kích lẫn nhau chưa đủ, lại tấn công cả các vị thẩm phán tối cao. Tháng Ba năm 2020, trong lúc Tối cao pháp viện đang nghe điều trần về vụ án kiện Tiểu bang Louisiana về luật phá thai, Nghị sĩ Charles E. Schumer (DC-N.Y.) cùng nhiều người ủng hộ quyền phá thai đã biểu tình trước trụ sở tòa án. Ông gọi đích danh các thẩm phán Neil M. Gorsuch và Brett M. Kavanaugh, nói những lời đe dọa. (Lúc đó, chưa có bà Amy Coney Barrett!)

Nhiều người đã lập tức phản đối thái độ và ngôn ngữ của ông Schumer. Chánh án Tối cao John G. Roberts Jr. lên án, “Những lời đe dọa như vầy, do một người vào hàng cao nhất trong nước, không những là bất xứng mà còn nguy hiểm nữa.”

Lúc đó ông Charles E. Schumer chỉ là lãnh tụ khối thiểu số ở Thượng viện. Hiện nay ông làm trưởng khối đa số, quyền hành nhiều hơn. Nhưng ông vẫn chưa nghe lời Chánh án Roberts. Khi những người quá khích đưa địa chỉ các thẩm phán tối cao lên mạng, vẽ cả bản đồ chỉ dẫn người biểu tình, ông Schumer không kết tội các hành động đe dọa nguy hiểm đó. Ông nói, “Người ta biểu tình phản đối trước cửa nhà tôi mỗi tuần bốn lần, có sao đâu?” Nhưng bây giờ anh Nicholas Roske thú nhận rằng anh biết địa chỉ ông Kavanaugh nhờ lên mạng. Anh bay từ California đến, lấy taxi đi thẳng từ phi trường đến nhà ông thẩm phán. Tới nới, anh đổi ý kiến, gọi 911 nhờ giúp đỡ, và thú tội.

Bầu không khí chính trị ở nước Mỹ đang u ám. Những người bất đồng chính kiến không chỉ công kích nhau, phỉ báng nhau, mà còn dọa giết nhau nữa. Trong năm 2021 các đại biểu quốc hội đã bị dọa 9,600 lần, theo Sở Cảnh sát ở trụ sở Capitol, như báo New York Times cho biết.

Các chính khách, Dân chủ cũng như Cộng Hòa, nhiều người đang quên lãng, hoặc vứt bỏ các quy tắc cư xử hòa nhã, tương kính, vốn vẫn là nền nếp lâu đời trong đời sống chính trị của nước Mỹ. Họ đang đe dọa chế độ tự do dân chủ.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG