Đường dẫn truy cập

Mỹ để ngỏ khả năng đàm phán hạt nhân với Iran sau khi bị từ chối


Hoa Kỳ và các bên tham gia đàm phán thoả thuận hạt nhân với Iran tại Vienna, Áo, vào năm 2015.
Hoa Kỳ và các bên tham gia đàm phán thoả thuận hạt nhân với Iran tại Vienna, Áo, vào năm 2015.

Chính quyền Biden hôm 28/2 cho biết vẫn mở cửa đàm phán với Iran về thỏa thuận hạt nhân năm 2015, bất chấp việc Tehran từ chối lời mời của EU tham gia cuộc họp với Mỹ và các bên khác trong thỏa thuận, theo AP.

Một quan chức cấp cao ẩn danh của chính quyền nói Hoa Kỳ “thất vọng” về sự từ chối này nhưng linh hoạt về thời gian và hình thức của các cuộc đàm phán, đồng thời xem quyết định của Iran từ chối lời mời của châu Âu như một phần của tiến trình ngoại giao. Quan chức này cho biết Hoa Kỳ sẽ tham vấn với các bên tham gia khác là Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Liên minh châu Âu trong thời gian tới.

Trước đó trong ngày 28/2, Iran từ chối đề nghị đàm phán với lý do “thời điểm chưa chín muồi” cho cuộc gặp mà Mỹ sẽ tham gia với tư cách quan sát viên.

Iran từng kiên quyết yêu cầu Hoa Kỳ phải dỡ bỏ hoặc giảm bớt các lệnh trừng phạt do chính quyền Trump áp đặt lên nước này trong “chiến dịch gây áp lực tối đa” trước khi ngồi xuống bàn đàm phán với Hoa Kỳ.

Tổng thống Joe Biden nhiều lần nói rằng Hoa Kỳ sẽ quay trở lại thỏa thuận mà người tiền nhiệm của ông, Donald Trump, đã rút khỏi vào năm 2018, chỉ sau khi Iran khôi phục lại việc tuân thủ đầy đủ hiệp định.

Đầu tháng 2, chính quyền Biden thông báo chấp nhận lời mời của EU tham gia một cuộc họp của các bên tham gia thỏa thuận, đồng thời hủy bỏ quyết định của ông Trump từ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng Iran vi phạm đáng kể thỏa thuận, khiến tất cả các lệnh trừng phạt của LHQ khôi phục.

Các quan chức chính quyền Biden cho biết việc rút lại quyết định trên nhằm thể hiện thiện chí với các đối tác, đồng thời giảm bớt các hạn chế nghiêm trọng đối với việc di chuyển của các nhà ngoại giao Iran được cử đến LHQ.

Riêng hôm 28/2, Bộ Ngoại giao Mỹ lên án cuộc tấn công vào cuối tuần của phiến quân Yemen do Iran hậu thuẫn nhằm vào Ả Rập Xê-út, nói rằng nó làm hỏng triển vọng hòa bình. Cùng với những quyết định đối với Iran trên mặt trận hạt nhân, chính quyền Biden cũng đã đảo ngược một số động thái cuối cùng của chính quyền Trump chống lại phe nổi dậy do Iran hậu thuẫn ở Yemen.

Ngoại trưởng Antony Blinken hủy bỏ chỉ định của người tiền nhiệm rằng phiến quân Houthi là “tổ chức khủng bố nước ngoài”, một động thái mà LHQ và các nhóm cứu trợ cho rằng sẽ khiến tình hình nhân đạo vốn đã thảm khốc ở Yemen thậm chí còn tồi tệ hơn. Ngoài ra, chính quyền Biden quyết định ngừng mọi hỗ trợ tấn công cho Ả Rập Xê-út cho chiến dịch quân sự chống lại người Houthis ở Yemen.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG