Hoa Kỳ từ chối ký một thỏa thuận về những thách thức tại Bắc Cực vì những khác biệt về ngôn từ liên hệ đến biến đổi khí hậu, làm tổn hại đến sự hợp tác tại vùng cực giữa lúc trái đất đang ấm dần một cách đáng ngại. Reuters dẫn nguồn tin từ các nhà ngoại giao cho biết hôm 7/5.
Nhiệt độ tại Bắc Cực đang tăng gấp hai lần nhiệt độ các nơi khác trên thế giới, và băng giá đang tan làm lộ ra những khu vực có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tiềm năng cho việc khai thác thương mại.
Hội nghị các quốc gia quanh Bắc Cực tại Rovaniemi miền bắc Phần Lan vào ngày 7/5 dự trù làm khung cho kế hoạch hai năm để cân bằng những thách thức của biến đổi khí hậu với sự phát triển bền vững của các nguồn khoáng sản phong phú.
Tuy nhiên Ngoại trưởng Phần Lan Timo Soini nói thông cáo chung không được thảo luận và sẽ được thay thế bằng một tuyên bố ngắn của các Bộ trưởng tham dự hội nghị.
Một nguồn tin ngoại giao biết về các cuộc thảo luận nói Hoa Kỳ cản trở việc ký kết vì không đồng ý với ngôn từ trong thông cáo chung nói rằng biến đổi khí hậu là một mối đe dọa trầm trọng đối với Bắc Cực. Một nguồn tin thứ hai xác nhận việc này.
Đây là lần đầu tiên một thông cáo chung bị hủy bỏ kể từ khi Hội đồng Bắc Cực được thành lập vào năm 1996. Không thể tiếp xúc được với phái đoàn Hoa Kỳ để yêu cầu bình luận.
Phát biểu tại Hội đồng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói chính quyền của Tổng thống Donald Trump “chia sẻ sự cam kết sâu rộng của quí vị về việc bảo vệ môi trường tại Bắc Cực.” Tuy nhiên ông nói các mục tiêu tập thể không phải luôn luôn là câu trả lời.
“Những câu trả lời này không có ý nghĩa và thậm chí phản tác dụng nếu có một quốc gia nào không tuân thủ,” ông nói.
Hội đồng Bắc Cực gồm có Hoa Kỳ, Canada, Nga, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển và Iceland.
Thỏa thuận giữa các nước không có tính cách ràng buộc.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7/5 nói nước này sẽ làm việc với tất cả các nước để đóng một vai trò xây dựng tại Bắc Cực vào lúc Hoa Kỳ cảnh báo về sự dính líu của Trung Quốc tại vùng này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Nga có thái độ hung hăng tại Bắc Cực và hành động của Trung Quốc tại đây cũng cần được theo dõi một cách chặt chẽ, giữa những chia rẽ ngày càng tăng tại vùng cực về hiện tượng trái đất ấm dần lên và việc tiếp cận các khoáng sản.
Phát biểu khi đến miền bắc Phần Lan để họp với các quốc gia có lãnh thổ tại Bắc Cực, ông Pompeo nói Bắc Kinh dường như có những mục đích về an ninh quốc gia tại đây, và những hành động của Nga, trong đó có kế hoạch mở những kênh hàng hải từ Châu Á đến Bắc Âu, cần phải được xem xét cẩn thận.