Đường dẫn truy cập

Mỹ-Triều nhờ Trung Quốc phá thế bế tắc


Hiện chưa rõ ọng Ri Su Yong có gặp ông Stephen Beigun ở Bắc Kinh hay không
Hiện chưa rõ ọng Ri Su Yong có gặp ông Stephen Beigun ở Bắc Kinh hay không

Một trợ lý ngoại giao hàng đầu của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đến Bắc Kinh hôm 26/3 trong khi nhà đàm phán chính của Mỹ cũng đang có mặt ở đó. Điều đó cho thấy Trung Quốc đang có vai trò trong giai đoạn đàm phán phi hạt nhân mới giữa Mỹ và Triều Tiên sau khi hội nghị thương đỉnh lần thứ hai giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đổ vỡ tại Hà Nội hồi tháng trước.

Các kênh truyền thông Nhật và Hàn Quốc đưa tin rằng ông Ri Su-yong, cựu Ngoại trưởng Triều Tiên và là Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, đã được Đại sứ Triều Tiên ở Trung Quốc Ji Jae-ryong cùng với các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chào đón ở sân bay quốc tế Bắc Kinh vào sáng ngày 26/3.

Chuyến thăm của ông Ri diễn ra vào lúc ông Stephen Beigun, đặc sứ của Mỹ về Triều Tiên, cũng đang có mặt ở Bắc Kinh. Thông tin chính thức cho rằng ông Beigun, đến Bắc Kinh từ ngày 24/3, đang trong chuyến công tác để tiếp tục sự phối hợp với Trung Quốc về các chính sách với Triều Tiên, theo sứ quán Mỹ.

Lịch trình của hai nhà ngoại giao này ở Trung Quốc không được tiết lộ, nhưng có phỏng đoán rằng Washington và Bình Nhưỡng đang tiếp xúc lại với nhau sau thất bại ở thượng đỉnh lần hai.

Ông Boo Seung-chan, giáo sư thỉnh giảng thuộc Viện Yonsei về Triều Tiên ở Seoul, nói rằng các chuyến thăm của ông Beigun và ông Ri cho thấy quyết tâm của Washington và Bình Nhưỡng khởi động lại đàm phán cũng như vai trò trung gian hòa giải của Trung Quốc.

“Washington có thể nhận ra những nguy cơ và hạn chế của mô hình đàm phán đi từ trên xuống hiện tại sau sự sụp đổ của Thượng đỉnh Hà Nội,” ông Boo nói.

Ông Beigun lên đường đi Bắc Kinh chỉ vài ngày sau khi ông Trump tuyên bố trên Twitter rằng ông rút lại những lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên mà Bộ Tài chính Mỹ vừa loan báo - một cử chỉ thiện chí rõ ràng đối với Bình Nhưỡng.

Để đáp lại, hôm 25/3, Bình Nhưỡng đã đưa các quan chức của họ trở lại văn phòng liên lạc liên Triều ở Kaesong – chỉ vài ngày sau khi những người này bị rút về nước bởi vì, theo lời Triều Tiên, Hàn Quốc quá ‘do dự’ trong việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận hay xúc tiến các dự án kinh tế.

Ông Kim đang chịu sức ép ngày càng lớn để xây dựng nền kinh tế Triều Tiên kể từ khi ông tuyên bố rằng đó là ưu tiên chính của ông hồi tháng Tư năm ngoái. Nếu không được dở bõ cấm vận thì tham vọng này không thể thực thi.

Kinh tế là điểm thuyết phục Triều Tiên mấu chốt của ông Trump trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với ông Kim. Trong cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim đầu tiên ở Singapore, ông Trump thậm chí còn cho ông Kim xem một đoạn phim để hình dung ra nền kinh tế Triều Tiên sẽ có thể mạnh mẽ và hiện đại như thế nào.

Dù vậy, hồi tháng trước, cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo của hai nhà lãnh đạo ở Hà Nội đã sụp đổ khi không có tiến triển nào đạt được trong hiểu biết chung về việc bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa có nghĩa là như thế nào.

“Hai phía đã cho thấy khác biệt lớn trong suy nghĩ của họ về phi hạt nhân hóa, và Mỹ có thể nghĩ rằng Trung Quốc có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc thu hẹp khoảng cách giữa hai phía,” ông Boo nói và lưu ý rằng Mỹ có thể đã yêu cầu Trung Quốc đóng vai trò trung gian tích cực.

“Cho dù muốn hay không, do thất bại của thượng đỉnh ở Hà Nội, tình thế bế tắc nhiều khả năng sẽ tiếp tục một thời gian nữa,” ông nói thêm. “Trung Quốc sẽ là một lá bài ngoại giao hấp dẫn mà Washington có thể chơi để phá vỡ thế bế tắc.”

Trước đây, Mỹ đã miễn cưỡng công nhận vai trò của Trung Quốc bởi vì họ không muốn cho Bắc Kinh đòn bẩy trong các cuộc đàm phán hiện tại về thương mại. Thêm nữa, về mặt lịch sử, Mỹ đã tìm cách làm giảm ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc đối với Triều Tiên và Đông Á nói chung.

Mặc dù vậy, trong cuộc họp báo ở Hà Nội, ông Trump thừa nhận rằng Trung Quốc có thể ‘giúp ích nhiều hơn’ trong quá trình phi hạt nhân hóa, ngụ ý để ngỏ cho Trung Quốc có vai trò trong tiến trình.

Ông Trương Bạc Hối, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương thuộc Đại học Lĩnh Nam ở Hong Kong, nói rằng thế bế tắc có thể cho thấy ‘vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc’ trong giai đoạn đàm phán kế tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên.

“Thất bại của ông Trump và Kim trong việc thúc đẩy quá trình đi về phía trước có lẽ đã làm hồi sinh vai trò của Trung Quốc.”

Và, theo ông Trương, Trung Quốc có lý do riêng để ổn định mối quan hệ Mỹ-Triều.

“Sự thất lại của thượng đỉnh Hà Nội làm cho Bắc Kinh quan ngại rằng nó sẽ đưa bán đảo Triều Tiên trở lại trạng thái xung đột và bất ổn trước đây,” ông lưu ý.

Do đó, ông nói thêm, “Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực để đóng vai trò cầu nối giữa Triều Tiên và Mỹ trong việc tạo điều kiện cho đàm phán.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG