Các quan chức Mỹ và Nga sẽ đàm phán an ninh vào ngày 10/1 để bàn về những lo ngại về hoạt động quân sự của mỗi bên và giải quyết tình trạng căng thẳng gia tăng liên quan đến Ukraine, hai nước cho biết.
Cuối ngày 27/12, một phát ngôn nhân của chính quyền Biden đã công bố ngày đàm phán, và cho biết cũng có khả năng Nga và NATO sẽ đàm phán vào ngày 12/1, và một cuộc họp lớn hơn bao gồm Moscow, Washington và các nước châu Âu khác dự kiến vào ngày 13/1.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã xác nhận khung thời gian này hôm 28/12 và cho biết ông hy vọng các cuộc đàm phán với Mỹ tại Geneva sẽ khởi động quá trình đem lại cho Moscow đảm bảo an ninh mới từ phương Tây.
Đảm bảo an ninh là yêu cầu lâu nay của Nga và Moscow đã gây báo động cho phương Tây khi họ triển khai hàng chục ngàn binh sĩ đến gần Ukraine trong hai tháng qua.
Cuộc họp của NATO ngày 12/1 sẽ được tổ chức tại Brussels, ông Ryabkov nói trong khi các cuộc đàm phán ngày 13/1 sẽ có sự tham gia của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu có trụ sở tại Vienna, bao gồm Mỹ và các đồng minh NATO, cũng như Nga, Ukraine và các nước thuộc Liên Xô cũ.
Việc Nga triển khai quân đội gần Ukraine đã làm dấy lên lo ngại ở phương Tây rằng Moscow, vốn đã sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014 và kể từ đó đã ủng hộ phe ly khai chiến đấu ở miền đông Ukraine, có thể chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới.
Nga phủ nhận kế hoạch tấn công nhưng nói họ có thể thực hiện hành động quân sự không xác định nếu yêu cầu an ninh của họ không được đáp ứng.
Moscow do lo ngại về điều mà họ cho là phương Tây tái vũ trang Ukraine, đã nói họ muốn đảm bảo mang tính ràng buộc về mặt pháp lý rằng NATO sẽ không mở rộng thêm nữa về phía đông, và một số vũ khí tấn công sẽ không được triển khai đến Ukraine hoặc các nước láng giềng khác.
Chính quyền Mỹ đã cam kết sẽ trừng phạt kinh tế nếu Nga tấn công Ukraine. Washington nói họ không thể hứa việc một nước có chủ quyền như Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập NATO.
“Khi chúng tôi ngồi xuống để nói chuyện, Nga có thể đặt quan ngại của họ lên bàn đàm phán và chúng tôi cũng sẽ đưa ra quan ngại của mình về các hoạt động của Nga,” phát ngôn nhân không muốn nêu danh tánh của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết. Phát ngôn nhân này nói rằng sẽ không có quyết định nào được đưa ra về Ukraine mà không có sự tham gia của Ukraine.
“Sẽ có những điểm mà chúng tôi có thể thực hiện, và những chỗ chúng tôi sẽ bất đồng. Ngoại giao là như thế.”
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm 27/12 đã ký ngân sách quốc phòng lớn, trong đó sẽ cấp 300 triệu đô la cho một sáng kiến hỗ trợ các lực lượng vũ trang Ukraine và hàng tỷ đô la cho việc phòng thủ ở châu Âu.