Đường dẫn truy cập

Mỹ có nên dùng quân đội trấn áp bạo loạn?


Lực lượng Vệ binh Quốc gia đứng gác gần Nhà Trắng trong cuộc biểu tình đòi công lý cho George Floyd
Lực lượng Vệ binh Quốc gia đứng gác gần Nhà Trắng trong cuộc biểu tình đòi công lý cho George Floyd

Tổng thống Mỹ Donald Trump không nên triển khai quân đội để phó với các hành động bạo loạn và cướp phá xuất phát từ các cuộc biểu tình đòi công lý cho người da màu, một số người Việt ở Mỹ nói với VOA khi được hỏi ý kiến.

Bất ổn dân sự diễn ra tại nhiều nơi trên nước Mỹ với các cơ sở kinh doanh, trong đó có nhiều tiệm của người Việt, bị đám đông lợi dụng biểu tình tràn vào đập phá và hôi của trong làn sóng xuống đường phản đối cái chết của một người Mỹ gốc Phi tên George Floyd sau khi ông này bị cảnh sát khống chế ở Minneapolis hôm 25/5.

Hôm 3/6, Tổng thống Trump đã phát biểu từ Vườn Hồng gợi ý rằng ông có thể viện tới Luật chống nổi loạn 1807 để điều động quân đội dẹp tình trạng vô luật pháp trong những trường hợp khẩn cấp. Ông cảnh báo ‘Nếu một thành phố hay tiểu bang không chịu có hành động cần thiết để bảo vệ sinh mạng và tài sản người dân, thì tôi sẽ điều động quân đội Mỹ và nhanh chóng giải quyết vấn đề cho họ’.

Tuy nhiên, lời đe dọa sử dụng vũ lực của ông Trump đã gặp phải những lời chỉ trích và phản đối. Người đứng đầu Ngũ Giác Đài, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, nói ông không ủng hộ triển khai lực lượng quân sự để đối phó bất ổn dân sự.

‘Chưa vượt ra khỏi tầm kiểm soát’

Trao đổi với VOA, ông Đinh Quang Anh Thái, cựu ký giả của báo Người Việt ở California, nói ông không ủng hộ cách làm này của ông Trump.

“Lời đe dọa của Tổng thống có lẽ thích hợp hơn trong tình huống đất nước Hoa Kỳ rơi vào chiến tranh đối phó với kẻ thù sống chết,” ông Thái nói.

Theo lý giải của ông thì mặc dù các cuộc biểu tình ở Mỹ có trở thành bạo động và cướp phá ‘nhưng chưa vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính quyền tiểu bang’.

“Cho tới giờ phút này Vệ binh Quốc gia đã làm được rất nhiều nhiệm vụ tại các tiểu bang đã xảy ra biểu tình và dẫn tới bạo loạn,” ông nói.

Tuy nhiên, nhà báo này cho rằng nếu tình hình ở Mỹ đến mức độ nghiêm trọng như cuộc bạo loạn ở Los Angeles năm 1992 sau khi Tòa án tha bổng cho viên cảnh sát đã đánh đập một người Mỹ gốc Phi Rodney King, thì lúc đó Tổng thống Trump ‘nên cân nhắc triển khai quân đội liên bang’. Ông Thái nhắc lại rằng Thống thống George H. W. Bush lúc đó đã viện tới Luật chống nổi loạn 1807.

Mặc dù vậy, ông cũng thận trọng cho rằng sử dụng vũ lực có thể ‘đổ thêm dầu vào lửa.’

“Nước Mỹ có chiều dài về dân chủ và tự do và người dân Mỹ chưa thể chấp nhận được tình trạng sử dụng quân đội như vậy. Sử dụng quân đội có thể dẫn đến thiết quân luật. Khi đó quân đội sẽ đối đầu với xã hội dân sự,” ông nói.

Ông cũng cho rằng do bản chất xã hội Mỹ là ‘xã hội dân chủ-tự do’ nên ‘có sự tự điều chỉnh để hỗn loạn không vượt ra khỏi tầm kiểm soát khiến quân đội phải can thiệp’ như đã từng xảy ra ở những đất nước độc tài, chẳng hạn Trung Quốc đã từng dùng xe tăng và quân đội để đàn áp cuộc biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.

Ông Đinh Quang Anh Thái nói ông ‘ủng hộ’ cuộc biểu tình đòi công lý cho người da màu nhưng ‘lên án triệt để các cuộc bạo loạn dẫn đến hôi của và thậm chí chết người’.

“Cần phải cất lên tiếng nói để những người có thẩm quyền hiểu rằng họ không thể hành xử một cách vô tộ vạ. Sự im lặng nó còn kinh sợ hơn,” ông nói thêm.

“Vẫn còn rất, rất nhiều những căn bệnh trong lòng nước Mỹ nhưng nền dân chủ của Mỹ là cơ chế để điều chỉnh những bất toàn trong xã hội,” ông Thái nói và dẫn chứng là ‘sẽ có những biện pháp xử rất nặng những người vi phạm pháp luật.’

‘Chỉ dọa thôi’

Từ thành phố Minneapolis, bang Minnesota, nơi xảy ra vụ việc George Floyd, ông Nguyễn Kinh Luân, một nhà hoạt động cộng đồng, nhấn mạnh ‘cần phải tách bạch các cuộc biểu tình bất bạo động với những kẻ cơ hội tìm cách hôi của và phá hoại’.

“Tôi ủng hộ chính phủ Hoa Kỳ dùng quân cảnh để đảm bảo an ninh trật tự và tránh sự phá hoại tiếp tục lan ra,” ông Luân nói với VOA. “Nếu không thì không kiểm soát được đám đông.”

“Lực lượng cảnh sát quá mỏng nên không đủ. Ngay ở Minneapolis tôi đã thấy cảnh sát không đủ để làm việc đó,” ông nói thêm.

Ông dẫn ra việc Vệ binh Quốc gia đã được điều động ở bang Minnesota để trấn áp cướp bóc, phá hoại và đã ‘bắn đạn cao su’ để ngăn ngừa các phần tử bạo động. “Chỉ cần sử dụng quân cảnh hay Vệ binh Quốc gia ở mức đó cũng vừa đủ rồi,” ông lập luận.

Về gợi ý của Tổng thống Trump về việc dùng quân đội, ông Luân bình luận: “Tôi nghĩ chưa đến mức đó đâu. Đó chỉ là lời đe dọa thôi. Riêng cá nhân tôi không ủng hộ chính phủ dùng quân đội chính quy để trấn áp tiếng nói của người dân.”

Ông Luân nói vì nước Mỹ là chế độ dân chủ nên Tổng thống Trump ‘chỉ nói mang tính đe dọa để những người biểu tình biết rằng có giới hạn’ trong khi ở các nước độc tài như Trung Quốc hay Việt Nam, chính quyền ‘không đe dọa mà triển khai quân đội đàn áp thật’.

Cũng giống như nhà báo Anh Thái, ông Luân cho rằng người gốc Việt ở Mỹ nên ủng hộ cuộc biểu tình này ‘vì họ đòi công lý không chỉ cho những người Mỹ gốc Phi mà tất cả những người Mỹ da màu khác nữa cũng có quyền lợi trong đó’.

VOA Express

XS
SM
MD
LG