Lãnh đạo hội đồng quân nhân cầm quyền ở Myanmar hôm 11/2 kêu gọi các công chức hãy trở lại làm việc, đồng thời kêu gọi dân ngừng tụ tập đông người để tránh lây lan virus corona, trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống đối ông và cuộc đảo chính bước sang ngày thứ sáu và lan rộng trên cả nước.
Giữa lúc Washington đang chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ông Min Aung Hlaing và các tướng lĩnh khác, Anh Quốc cho biết cũng đang xem xét thêm các biện pháp có thể áp dụng để trừng phạt việc quân đội Myanmar chiếm quyền hôm 1 tháng 2, chặn đứng quá trình chuyển đổi sang dân chủ.
Cuộc đảo chính và việc giam giữ nhà lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi cùng nhiều người khác đã dẫn tới các cuộc biểu tình rầm rộ nhất kể từ “Cách mạng Tăng bào” năm 2007, mà rốt cuộc trở thành một bước tiến tới cải cách dân chủ.
Phát biểu lần đầu tiên trước công chúng về các cuộc biểu tình, Thượng tướng Min Aung Hlaing quy trách nhiệm cho “những kẻ vô lương tâm” về các vụ đình công trong một phong trào bất tuân dân sự ngày càng leo thang có sự tham gia của các bác sĩ, giáo viên, công nhân đường sắt và nhân viên chính phủ khác.
Ông yêu cầu họ trở lại làm việc “vì lợi ích của đất nước và nhân dân, tránh tập trung vào xúc cảm”.
Trong một tuyên bố do phòng thông tin của quân đội đưa ra, ông Min Aung Hlaing kêu gọi mọi người tránh tụ tập, mà ông nói sẽ làm lây lan virus corona.
Những người biểu tình tụ tập trên khắp nước hôm thứ Năm 11/2.
Hàng trăm công nhân xếp hàng hai bên một trục lộ ở thủ đô Naypyitaw, hô to các khẩu hiệu chống chính quyền, giương biểu ngữ ủng hộ bà Suu Kyi. Hàng nghìn người biểu tình tại thành phố Yangon.
Hàng trăm người tụ tập trước đại sứ quán Trung Quốc, tố cáo Bắc Kinh hỗ trợ chính quyền quân sự, dù Trung Quốc bác bỏ cáo buộc này. Họ giương cao ảnh của bà Suu Kyi và đòi trả tự do cho bà.
Cựu bộ trưởng Kyaw Tint Swe, được coi là cánh tay phải của bà Suu Kyi, bị bắt trong một cuộc truy quét qua đêm, một quan chức cấp cao của NLD cho biết. Ông Swe từng là một trong những đại diện của bà Suu Kyi đi dự các cuộc đàm phán với bên quân đội trước cuộc đảo chính.
Ông Kyi Toe thuộc ủy ban thông tin của Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cho biết Bộ trưởng Kyaw Tint Swe và 4 người khác có liên hệ với chính quyền trước bị bắt từ nhà riêng qua đêm, và ban lãnh đạo cao nhất của ủy ban bầu cử cũ cũng đều bị bắt.
Hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết ít nhất 220 người đã bị bắt kể từ cuộc đảo chính.
Chính quyền Myanmar không trả lời lập tức yêu cầu bình luận, và Reuters không thể xác nhận các vụ bắt giữ một cách độc lập.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm thứ Tư đã thông qua một lệnh hành pháp về các biện pháp trừng phạt mới đối với những người chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính.
Ngoại trưởng Dominic Raab cho biết Vương quốc Anh cũng đang “khẩn trương xem xét” các biện pháp tiếp theo mà nước này có thể áp dụng đối với thuộc địa cũ của mình.
Cơ quan nhân quyền hàng đầu của Liên hiệp quốc sẽ xem xét một nghị quyết vào ngày thứ Sáu 12/2 do Anh và Liên minh châu Âu soạn thảo để lên án cuộc đảo chính và yêu cầu Myanmar khẩn cấp cho các thanh sát viên tới giám sát.