Đường dẫn truy cập

Myanmar thực hiện tiến trình xác minh quốc tịch gây tranh cãi


Cảnh sát Myanmar canh gác tại Mandalay, ngày 4/7/2014.
Cảnh sát Myanmar canh gác tại Mandalay, ngày 4/7/2014.

Bộ Di Trú Myanmar, tức Miến Điện, đang thực hiện một tiến trình xác minh quốc tịch gây tranh cãi tại bang Rakhine ở miền Bắc, nơi mà từ năm 2012, đã xảy ra các cuộc đụng độ sắc tộc và tôn giáo gây nhiều chết chóc. Chính phủ Myanmar cho biết mục đích của tiến trình này là để xác định xem những ai hội đủ điều kiện để được nhập tịch. Nhưng nhiều người trong số những người được yêu cầu tham gia tiến trình, bày tỏ quan ngại cấp thiết rằng họ sẽ bị phân loại như người nước ngoài cư ngụ bất hợp pháp. Từ văn phòng Đông Nam Á của VOA ở Bangkok, Thông tín viên Gabrielle Paluch gửi về bài tường thuật sau đây.

Những người Hồi giáo không có quốc tịch cư ngụ tại bang Rakhine ở miền Bắc Myanmar từ lâu đã tự nhận là "người Rohingya", một danh xưng được Liên Hiệp Quốc và các quốc gia khác công nhận, kể cả Hoa Kỳ. Nhưng chính phủ Myanmar thì không. Thay vì thế, nhà chức trách Myanmar đang yêu cầu họ đăng ký là người "Bengal".

Ông Shwe Maung, một dân biểu quốc hội thuộc nhóm sắc tộc Rohingya, nói rằng những người được yêu cầu đăng ký do dự không muốn làm như thế bởi vì họ sợ đăng ký là người Bengal sẽ tác động tiêu cực tới cơ hội được trở thành một công dân đầy đủ. Ông nói không có sự tin tưởng nơi một tiến trình mà theo ông, có thể chính thức phân loại hơn một triệu người trong số những người đã sinh sống ở Myanmar qua nhiều thế hệ, vào thành phần vô tổ quốc.

"Nếu là người "Bengal, tiến trình đăng ký sẽ giống như tiến trình dành cho những người nước ngoài, theo luật năm 1982. Tôi nghĩ rằng vì lẽ đó, cảnh sát biên phòng Myanmar muốn dân chúng ở đây tự khai mình là người Bengal, như trong cuộc điều tra dân số."

Ông Shwe Maung nói ông đã nêu lên những quan ngại về vấn đề quyền công dân không toàn diện như thế tại diễn đàn quốc hội, nhưng vấn đề này vẫn đang chờ được giải quyết.

Việc đăng ký với bộ di trú bắt đầu tiến trình xác minh quốc tịch, sau đó một ủy ban chính phủ sẽ được gửi đến để cân nhắc những bằng chứng xem cá nhân mỗi người có hội đủ điều kiện để trở thành công dân hay không. Bởi vì hầu hết người Rohingya không có giấy tờ tùy thân do do chính phủ cấp, các ủy ban chủ yếu sẽ dựa vào lời khai của các bô lão trong làng.

Nhiều người Rohingyas tỏ thái độ hoài nghi rằng một chính phủ đã phân loại họ là người Bengal sẽ cấp cho họ quyền công dân dựa trên lời khai của các vị bô lão trong làng.

Cho tới thời điểm này năm nay, ước tính có khoảng 80.000 người Rohingyas đã trốn ra khỏi Myanmar bằng tàu tới các nước láng giềng ở Đông Nam Á.
Cho tới thời điểm này năm nay, ước tính có khoảng 80.000 người Rohingyas đã trốn ra khỏi Myanmar bằng tàu tới các nước láng giềng ở Đông Nam Á.

Trong quá khứ, Washington đã từng gây áp lực với chính phủ Myanmar về Luật Quốc tịch năm 1982. Trong phúc trình năm 2014 của Mỹ về tự do tôn giáo, Washington kêu gọi chính quyền Myanmar hãy cổ vũ cho các quyền của người Hồi giáo Rohingya và đề ra những "giải pháp lâu dài" cho người tị nạn đang cư ngụ ở nước ngoài.

Ông Matthew Smith, Giám đốc Tổ chức nhân quyền quốc tế Fortify Rights, nói rằng trao cho người Rohingya cơ hội bình đẳng để được hưởng các quyền công dân là điều thiết yếu để tránh các cuộc xung đột trong tương lai. Ông nói các nước ngoài nên hối thúc chính phủ Myanmar nhiều hơn về vấn đề này.

"Sự kiện Bộ Di trú là cơ quan xử lý vấn đề này là dấu hiệu về nhận thức cho rằng tất cả những người Rohingya đều đến từ Bangladesh. Người nhập cư là một vấn đề có tại tất cả các vùng biên giới Myanmar, tuy nhiên bác bỏ quyền công dân của người Rohingya, và không công nhận sắc tộc Rohingya, đã góp phần đưa đến những vụ vi phạm từng được ghi nhận trong hai năm qua."

Cho đến nay, các nhà lãnh đạo chính trị ở bang Rakhine như ông Aye Maung, thành viên của Đảng Quốc gia Arakan mới được thành lập, đã hỗ trợ tiến trình kiểm chứng quốc tịch.

Trong quá khứ, người Rohingyas đã đăng ký với chính phủ để nhận "thẻ trắng", cho phép họ có quyền đi bầu, nhưng ngoài ra, không được hưởng các quyền công dân đáng kể nào khác.

Nhưng theo ông Aye Maung, Đảng Quốc gia Arakan đã đệ trình một dự luật lên quốc hội, mà nếu được thông qua, sẽ không cho phép cả những người Rohingyas có thẻ đăng ký quốc gia, còn gọi là "thẻ trắng" được đi đầu phiếu vào năm 2015.

"Chúng tôi cũng chấp nhận tiến trình này, chúng tôi cũng yêu cầu tất cả những người Bengal phải tuân thủ luật hiện hữu về tình trạng của họ, và một tỷ lệ nào đó trong thành phần này sẽ được nhận thẻ đăng ký."

Cho tới thời điểm này trong năm nay, ước tính có khoảng 80.000 người Rohingyas đã trốn ra khỏi Myanmar bằng tàu tới các nước láng giềng ở Đông Nam Á .

Từ năm 2012, bạo lực giữa người Hồi giáo và Phật giáo đã bùng lên trên khắp nước, làm hàng trăm người thiệt mạng, và khiến hàng trăm nghìn người bị buộc phải dời cư, sinh sống trong các trại với những điều kiệïn giống như các nhà tù.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG