Đường dẫn truy cập

Myanmar: Nhà lãnh đạo bị lật đổ Suu Kyi ra tòa, mặc đồng phục tù nhân


Người biểu tỉnh ở Mandalay, Myanmar đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi (ảnh tư liệu, 5/3/2021).
Người biểu tỉnh ở Mandalay, Myanmar đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi (ảnh tư liệu, 5/3/2021).

Nhà lãnh đạo bị lật đổ ở Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, ra tòa hôm thứ Sáu 17/12, mặc áo trắng và váy quấn màu nâu, đó là bộ đồng phục đặc trưng của các tù nhân ở quốc gia Đông Nam Á này, một nguồn tin am hiểu về thủ tục tòa án cho biết.

Bà Suu Kyi, 76 tuổi, khôi nguyên giải Nobel đã bị tòa kết án 4 năm tù trong tháng này vì tội kích động và vi phạm các quy định về phòng chống COVID-19. Bản án của bà sau đó được giảm xuống còn 2 năm bị giam giữ tại địa điểm không được tiết lộ hiện nay.

Vốn là người có tiếng thường mặc trang phục truyền thống thanh lịch, đôi khi cài hoa trên tóc, đây là lần đầu tiên bà Suu Kyi được nhìn thấy trong bộ đồng phục tù nhân trước tòa. Chưa rõ liệu điều đó có báo hiệu một sự thay đổi lớn hay không về sự đối xử dành cho bà và các quan chức cấp cao khác đang bị xét xử.

Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi cuộc đảo chính chống chính phủ được bầu một cách dân chủ của bà Suu Kyi đã dẫn đến các cuộc biểu tình rộng khắp.

Ngoài các bản án đã tuyên, bà Suu Kyi còn bị truy tố về hàng chục tội danh khác với mức án tổng cộng là hơn 100 năm tù. Bà Suu Kyi phủ nhận mọi cáo buộc.

Một cựu thị trưởng của thủ đô Naypyitaw, Myo Aung, người cũng đang bị xét xử, cũng đã ra tòa trong bộ đồng phục tù nhân hôm 17/12, nguồn tin giấu tên cho biết.

Trong bài phát biểu được công bố hôm 14/12, nhà lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing nói trên truyền thông nhà nước rằng bà Suu Kyi và Tổng thống bị lật đổ Win Myint sẽ ở cùng một địa điểm trong thời gian xét xử và sẽ không bị đưa vào tù.

Bà Suu Kyi, con gái của vị anh hùng đấu tranh cho độc lập của Myanmar, đã trải qua nhiều năm bị quản thúc tại gia vì phản đối chế độ quân sự. Bà được trả tự do vào năm 2010 và lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2015 trước khi bị bắt sau cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2.

Giới truyền thông không được tiếp cận phiên tòa xét xử bà ở Naypyitaw, và các luật sư của bà Suu Kyi đã bị cấm giao tiếp với giới truyền thông và công chúng.

(Reuters)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG