Các lãnh đạo quân nhân của Myanmar hôm Chủ Nhật cam kết hợp tác "nhiều nhất có thể" với kế hoạch hòa bình đã đạt được với ASEAN, dù lên án hiệp hội của Đông Nam Á đã loại chỉ huy hàng đầu của nước này khỏi một hội nghị thượng đỉnh vào tuần này.
Trong một thông báo trên truyền thông nhà nước hôm Chủ Nhật, chính quyền cho biết họ đề cao nguyên tắc về việc chung sống hòa bình với các nước khác và sẽ hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm tuân thủ "sự đồng thuận" gồm 5 điểm đã được nhất trí vào tháng Tư, một kế hoạch vốn được phương Tây và Trung Quốc hậu thuẫn.
Các ngoại trưởng ASEAN hôm 15 tháng Mười đã quyết định loại ông Min Aung Hlaing, người lãnh đạo cuộc đảo chính Myanmar ngày 1 tháng Hai, vì ông không thực hiện kế hoạch đó, bao gồm việc chấm dứt thù địch, bắt đầu đối thoại, cho phép hỗ trợ nhân đạo và cho phép một đặc phái viên tiếp cận toàn diện Myanmar.
Chính quyền Myanmar đã đáp trả vào cuối ngày thứ Sáu, cáo buộc ASEAN đã rời xa các nguyên tắc của mình về sự đồng thuận và không can thiệp.
Myanmar từ chối đồng ý cử một đại diện Myanmar trung lập về chính trị tới tham dự thay ông Min Aung Hlaing.
Brunei, nước chủ tịch ASEAN, đã không có phản ứng trước sự chỉ trích của Myanmar.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Thái Lan từ chối bình luận hôm thứ Bảy, với lý do đây là vấn đề nhạy cảm, trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia, Teuku Faizasyah, cho biết sự đồng thuận của ASEAN về việc ai sẽ đại diện cho Myanmar tại hội nghị thượng đỉnh là "hướng dẫn chung cho tất cả các thành viên ASEAN".
Hơn 1.000 dân thường đã thiệt mạng trong một cuộc đàn áp hậu đảo chính ở Myanmar. Hàng nghìn người khác bị giam giữ mà trong số đó, nhiều người bị tra tấn hoặc đánh đập, theo Liên Hợp Quốc, dẫn lời các nhà hoạt động. Chính quyền bị cáo buộc sử dụng vũ lực quân sự quá mức đối với dân thường.
Chính phủ khẳng định nhiều người trong số những người bị giết hoặc bị giam giữ là "những kẻ khủng bố" gây bất ổn đất nước. Người đứng đầu quân đội tuần trước cho biết các lực lượng đối lập đang kéo dài tình trạng bất ổn.