Đường dẫn truy cập

Mỹ: Việt Nam thiếu ‘ý chí chính trị’ để giải quyết nạn vi phạm sở hữu trí tuệ


Hoa Kỳ cho rằng việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam vẫn là “một mối quan ngại đáng kể”, trong khi chính quyền ở Hà Nội lại thiếu “ý chí chính trị” để giải quyết triệt để vấn đề này.
Hoa Kỳ cho rằng việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam vẫn là “một mối quan ngại đáng kể”, trong khi chính quyền ở Hà Nội lại thiếu “ý chí chính trị” để giải quyết triệt để vấn đề này.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) vừa công bố báo cáo về quyền sở hữu trí tuệ thường niên 2022 trong đó Việt Nam vẫn bị liệt vào nhóm Cần Theo dõi vì cho rằng việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại nước này tiếp tục là “một thách thức nghiêm trọng”. Hoa Kỳ cho rằng việc vi phạm bản quyền tại Việt Nam vẫn là “một mối quan ngại đáng kể”, trong khi chính quyền lại thiếu “ý chí chính trị” để giải quyết triệt để vấn đề này.

Thông cáo ngày 27/4 của USTR về cáo Đặc biệt 301 thường niên cho biết có 7 đối tác thương mại của Mỹ bị liệt vào danh sách Ưu tiên Theo dõi (Priority Watch List) và 20 đối tác bị liệt vào danh sách Cần Theo dõi (Watch List).

Argentina, Chile, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nga và Venezuela nằm trong danh sách đầu.

Việt Nam, Thái Lan, Pakistan... nằm trong số 20 quốc gia thuộc trong danh sách Cần Theo dõi của USTR.

Báo cáo Đặc biệt 301 được USTR công bố hàng năm nhằm xác định các rào cản thương mại đối với các công ty và sản phẩm của Hoa Kỳ do vi phạm luật sở hữu trí tuệ (IP), trong đó có bản quyền, bằng sáng chế và nhãn hiệu, ở các quốc gia khác.

Trong phần đánh giá về Việt Nam, báo của USTR viết: “Mặc dù Việt Nam đã thực hiện các bước để cải thiện việc bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ..., nhưng việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục là một thách thức nghiêm trọng”.

“Trong khi các cơ quan chức năng Việt Nam khởi xướng điều tra hình sự đối với các nhà điều hành mạng Phimmoi.net, vi phạm bản quyền trực tuyến, bao gồm cả việc sử dụng các thiết bị và ứng dụng vi phạm bản quyền để truy cập nội dung nghe nhìn trái phép, vẫn còn là một mối quan ngại đáng kể”, báo cáo viết.

“Việc thiếu sự phối hợp giữa các bộ và cơ quan chịu trách nhiệm thực thi cũng vẫn còn tồn tại và hạn chế về năng lực liên quan đến việc thực thi, cùng với việc thiếu ý chí chính trị để ưu tiên thực thi quyền sở hữu trí tuệ”, báo cáo viết tiếp.

Cáo báo đặc biệt 301 của USTR về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam 2022.
Cáo báo đặc biệt 301 của USTR về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam 2022.

Báo cáo nhận định rằng mặc dù Việt Nam đã ban hành một nghị định nhằm giải quyết vấn đề buôn bán hàng giả trên mạng, nhưng nạn buôn bán hàng giả và hàng nhái trên mạng vẫn còn là một vấn đề nghiêm trọng.

Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam tham gia và giải quyết những vấn đề này và cung cấp cho các bên liên quan quan tâm những cơ hội có ý nghĩa để đóng góp ý kiến khi Việt Nam tiến hành những cải cách này.

Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng khuyến khích tiếp tục hợp tác song phương thông qua việc thực hiện Hiệp định Tương trợ Hải quan, có hiệu lực vào tháng 5/2020.

Báo cáo cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thúc đẩy các vấn đề sở hữu trí tuệ thông qua Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư Hoa Kỳ-Việt Nam và các cam kết song phương khác.

Việt Nam nằm trong danh sách Cần Theo dõi về IP của USTR từ năm 2000 cho đến nay.

Hôm 26/4 vừa qua, nhân ngày Sở hữu trí tuệ thế giới, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam Trần Lê Hồng nói với trang Nhân dân của Đảng Cộng sản Việt Nam rằng “Cục Sở hữu trí tuệ có nhiều hoạt động và đóng góp quan trọng vào hoat động thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam”.

Tuy nhiên, ông Hồng nói rằng Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, chứ không phải là cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Ông cho biết việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ do các cơ quan có thẩm quyền như Thanh tra chuyên ngành, cơ quan Quản lý thị trường, Công an, Hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp và Tòa án, thực hiện.

VOA Express

XS
SM
MD
LG