Hoa Kỳ và Việt Nam mới tổ chức Đối thoại An ninh Năng lượng thường niên lần thứ tư tại thủ đô Washington D.C.
Theo Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, trong cuộc họp hôm 29/7, hai bên “thảo luận về các chủ đề quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu, bao gồm gió ngoài khơi, hydrogen, thị trường năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả và quy hoạch truyền tải”.
Cơ quan ngoại giao này cho biết rằng năng lượng là “một nền tảng của mối quan hệ song phương hai nước” và rằng “Hoa Kỳ mong muốn hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam nhằm loại trừ carbon trong ngành công nghiệp năng lượng theo Kế hoạch Phát triển Năng Lượng 8 (PDP-8)”.
“Chúng tôi tin rằng Việt Nam có thể trở thành là mô hình đổi mới năng lượng sạch cho khu vực ASEAN!” đại sứ quán Mỹ viết trên Facebook.
Về phía Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Dũng, đại sứ của nước này tại thủ đô Washington D.C. viết trên Twitter rằng ông “vui mừng cùng phái đoàn Việt Nam tham dự cuộc Đối thoại An ninh Năng lượng lần thứ tư”.
Ông Dũng cho biết thêm rằng phía Việt Nam “kỳ vọng sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa với chính phủ Mỹ nhằm triển khai các mục tiêu về khí hậu và bảo đảm an ninh năng lượng”.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, theo Bộ Công thương Việt Nam, trong khuôn khổ cuộc đối thoại lần này, Tập đoàn AES của Hoa Kỳ đã bày tỏ “mong muốn triển khai dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Thuận, Việt Nam với tổng kinh phí là 13 tỷ USD, công suất dự kiến 4.000 MW”.
Bộ này nói thêm rằng dự án này sẽ “đóng góp vào kế hoạch giảm phát thải carbon của Việt Nam và đạt được mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26”.
Trong cuộc gặp với Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Biến đổi Khí hậu John Kerry ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh hồi tháng 2 năm nay đã lên tiếng “đề nghị Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho Việt Nam để đưa mức phát thải ròng về ‘0’ vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26”, theo Cổng thông tin chính phủ Việt Nam (VGP News).
VGP News đưa tin, ông Minh “nhấn mạnh vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu là lĩnh vực hợp tác mang tầm chiến lược giữa hai nước” và nói rằng “nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của chính phủ Việt Nam để chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn, các bon thấp”.