Đường dẫn truy cập

Giới nghiên cứu: Mỹ vẫn nhiều ảnh hưởng, song dường như không còn lãnh đạo thế giới


Các học giả: Ngày càng nhiều nước dựa vào Mỹ về an ninh song ngả về TQ trong vấn đề kinh tế
Các học giả: Ngày càng nhiều nước dựa vào Mỹ về an ninh song ngả về TQ trong vấn đề kinh tế

Mỹ vẫn có ảnh hưởng bao trùm trên toàn cầu trong nhiều lĩnh vực bao gồm cả tài chính và công nghệ - nhưng hiện không rõ liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới có còn là cường quốc hàng đầu mà các quốc gia khác ngưỡng mộ, tôn trọng hay không, các chuyên gia đưa ra đánh giá tại một phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Singapore, CNBC và The Straits Times tường thuật.

Hội nghị hàng năm này quy tụ các lãnh đạo doanh nghiệp và các học giả hàng đầu, tại đó, họ thảo luận về các xu thế trên thế giới. Hội nghị kết thúc hôm 17/9.

Trong một phiên thảo luận qua mạng, các đại biểu bàn về chủ đề “Một thế giới không có ai lãnh đạo và bị chia rẽ sẽ là trạng thái bình thường mới”, theo tin của CNBC và The Straits Times.

Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh trật tự toàn cầu đang dịch chuyển, trong đó Mỹ - thường được coi là siêu cường chính - giờ đây bị xem là đang rút khỏi các tổ chức quốc tế mà Mỹ đã lãnh đạo trong nhiều năm, trong khi đó, Trung Quốc dường như đang trỗi dậy và thách thức sự thống trị của Mỹ trên nhiều mặt.

Một trong các diễn giả, Ian Bremmer, chủ tịch công ty tư vấn về rủi ro chính trị Eurasia Group, nói ông hình dung thấy một thế giới không có ai lãnh đạo trong tương lai gần.

Ông nói: “Nếu như có sự lãnh đạo đúng nghĩa, thì vai trò đó cần phải đến từ Hoa Kỳ”. CNBC và The Straits Times dẫn lời ông Bremmer chỉ ra rằng Hoa Kỳ vẫn chiếm ưu thế về ảnh hưởng trên toàn cầu, với các công ty công nghệ của họ đang phát triển mạnh hơn trong đại dịch virus corona, đồng đô la Mỹ đóng vai trò là đồng tiền dự trữ chính và sức mạnh của các ngân hàng Mỹ.

Nhưng những điểm mạnh đó cũng là lý do tại sao Hoa Kỳ thiếu hứng thú đối với việc nắm vai trò lãnh đạo, ông Bremmer nói, vẫn theo CNBC và The Straits Times.

Ông nói thêm, một thế giới không có người lãnh đạo sẽ không làm tổn hại Hoa Kỳ giống như những tác động xấu mà các nước khác phải gánh chịu. "Người Mỹ sẽ không quá quan tâm hoặc cảm thấy bị thôi thúc cần phải lấp đầy khoảng trống đó trong thời gian tới, vì vậy tôi tin rằng chúng ta sẽ không còn người lãnh đạo và sẽ bị chia rẽ trong tương lai gần", ông Bremmer nói.

Mỹ được xem là đã thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc chống Huawei của TQ
Mỹ được xem là đã thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc chống Huawei của TQ

Tuy nhiên, Niall Ferguson, nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, lập luận rằng sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trên thực tế đã “rất mạnh mẽ” trong năm nay. CNBC và The Straits Times dẫn lời ông Ferguson nói rằng có thể thấy Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ thể hiện vai trò lãnh đạo về tài chính trong suốt thời điểm đen tối của cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra, và Washington cũng thể hiện sự lãnh đạo về công nghệ trong chiến dịch chống lại công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc.

Ông Ferguson cũng nói thêm rằng ngay cả khi Hoa Kỳ không tiến lên làm nhà lãnh đạo toàn cầu, thì sẽ có nước khác vì thế giới cần có người lãnh đạo.

“Thế giới vốn luôn cần có người lãnh đạo. Nếu Hoa Kỳ thực lòng không thể mang lại vai trò đó, thì một nước khác sẽ làm. Có lẽ Trung Quốc, có lẽ - ai mà biết được - là Liên hiệp châu Âu chẳng hạn, khối này hiện dường như có sự lãnh đạo tương đối mạnh mẽ của chính họ ở Berlin và Paris ”, ông Ferguson nói, theo CNBC và The Straits Times.

Cuộc thảo luận cũng tập trung vào sự trỗi dậy của Trung Quốc tiến đến tầm vóc của một cường quốc toàn cầu và nỗ lực lấp đầy khoảng trống về mặt lãnh đạo mà Hoa Kỳ để lại.

Nhưng các chuyên gia nhất trí rằng Trung Quốc còn lâu nữa mới đóng vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế.

Bản thân Trung Quốc đã nhiều lần nói rằng họ không quan tâm đến việc thay thế Mỹ hoặc xuất khẩu hệ tư tưởng của mình ra toàn cầu, Yan Xuetong, Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, nói, theo trích dẫn của CNBC và The Straits Times.

Mặc dù vậy, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc có thể buộc các nước khác phải chọn bên. Ông Yan lưu ý rằng ngày càng có nhiều quốc gia đứng về phía Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế song lại dựa vào Mỹ về an ninh. Ông nêu ra Singapore, Nhật Bản, Đức và Pháp như là những ví dụ về những nước có lập trường như vậy.

Ngaire Woods, hiệu trưởng Trường Blavatnik chuyên về chính phủ thuộc Đại học Oxford, đồng ý rằng các quốc gia có thể cần “hợp tác có chọn lọc” với Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc.

Trên thực tế, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc có thể là cơ hội để các nước nhỏ hơn thúc đẩy những thay đổi mà họ muốn thấy ở các định chế quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, bà Woods, giáo sư về quản trị kinh tế toàn cầu, nói, theo tường thuật của CNBC và The Straits Times.

“Chúng ta đã thấy mọi tổ chức quốc tế đều thay đổi và bị thúc ép phải lắng nghe ý kiến từ nhiều thành viên hơn”, bà nói.

“Nói cách khác, đối với các quốc gia thứ ba trên thế giới, các quốc gia nhỏ hơn, sự cạnh tranh mới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở các định chế này không gây ra tàn phá và bi quan, mà nó tạo cơ hội cho các quốc gia khác bắt đầu có thể gây sức ép với những siêu cường và thúc đẩy hơn nữa những thay đổi mà họ mong muốn trong chính những định chế đó", bà Woods nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG