Đường dẫn truy cập

Mỹ: Vẫn còn cách biệt trong việc nối lại đàm phán hạt nhân Iran


Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu trong cuộc họp báo ở Tehran, Iran, 14/6/2014.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu trong cuộc họp báo ở Tehran, Iran, 14/6/2014.
Các cuộc thương thuyết về việc hạn chế chương trình hạt nhân của Iran sẽ nối lại vào ngày mai ở Geneva. Hiện vẫn còn một số trở ngại ngăn trở tiến bộ vào lúc chỉ còn hơn một tháng là đến kỳ hạn phải đạt được một thỏa thuận.

Một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói vẫn còn “những cách biệt đáng kể” giữa Iran và các đối tác phía Hoa Kỳ và châu Âu trong các cuộc đàm phán này, nhưng một thỏa thuận lớn hạn chế chương trình hạt nhân của Iran trước kỳ hạn đã định vào tháng Bảy có thể đạt được.

Nhưng ngay cả với một thỏa thuận, những thay đổi cơ bản trong bang giao giữa Hoa Kỳ và Iran phải đối mặt với điều mà giới chức Bộ Ngoại giao này gọi là “những quan ngại lớn” của Washington về những vụ vi phạm nhân quyền và những hành vi khủng bố của Tehran.

Một số đối thủ chính trị của chính quyền Obama nói các cuộc đàm phán này vốn đã củng cố cho Iran. Thượng nghị sĩ Bob Corker của đảng Cộng hòa nhận định:

“Ngay như nếu chúng ta vượt qua giai đoạn này một cách tốt đẹp, mà tôi hy vọng với tất cả tâm trí, họ vẫn sẽ là một nước chủ yếu bảo trợ cho khủng bố, họ vẫn sẽ hậu thuẫn cho một nhà độc tài tàn ác ở Syria, và vẫn sẽ còn những kẻ vi phạm nhân quyền khủng khiếp.”

Chuyên gia phân tích của Viện Kinh doanh Mỹ Frederick Kagan nói chương trình hạt nhân của Iran và sự tham gia của nước này trong các cuộc đàm phán là một phương tiện dẫn tới các mục đích rộng lớn hơn.

Ông Kagan nói: “Sách lược của Iran ở Iraq và Syria và Libăng và Bahrain và Yemen và khắp cả khu vực dã chứng tỏ tai hại khủng khiếp mà nước Cộng hòa Hồi giáo gây ra bằng các phương tiện mà họ sử dụng để theo đuổi các mục tiêu của họ. Iran không lấp đầy khoảng trống. Iran tạo ra những khoảng trống.”

Giáo sư trường đại học American University, bà Hillary Mann Leverett, nói những bất đồng còn lại trong các cuộc đàm phán Geneva này bao gồm quy mô tinh chế hạt nhân mà Iran sẽ duy trì theo thỏa thuận, cũng như cơ chế để bãi bỏ các biện pháp chế tài quốc tế.

Bà Leverett nói: “Ðương nhiên phía Iran muốn Hoa Kỳ bãi bỏ mọi biện pháp chế tài ngay khi chung quyết được một thỏa thuận. Và phía Hoa Kỳ đang tìm những phương cách để duy trì các biện pháp chế tài một cách nào đó, để duy trì một số biện pháp, và những biện pháp mà chúng ta làm với ý nghĩa là không thực sự bãi bỏ, mà chỉ ngưng chỉ và gắn liền những ngòi châm để lập tức tái áp đặt với việc Iran không tuân thủ.”

Thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược Scott Modell nói nới lỏng các biện pháp chế tài giúp cho các tham vọng khu vực của Iran.

Ông Modell phân tích: “Trong khi giải phóng tiền cho chính phủ Iran, nó chỉ làm cho mạng lưới đe dọa của Iran táo bạo thêm mà thôi.”

Cả Iran và Hoa Kỳ đều quan ngại về các phần tử chủ chiến Sunni có cơ sở ở Syria đe dọa chính phủ ở Iraq. Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Bill Burns đang có mặt tại Geneva để dự các cuộc đàm phán này. Một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói ông Burns có thể mở các cuộc thảo luận về vấn đề Iraq với các giới chức Iran, nhưng họ sẽ phải tách rời khỏi các cuộc thương thuyết hạt nhân “một cách hoàn toàn và tách biệt.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG