Đường dẫn truy cập

Mỹ và Trung Quốc


Hầu như ai cũng biết rõ điều này: Số phận của nhân loại, trong vài thập niên tới, tùy thuộc chủ yếu vào mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Đó sẽ là một mâu thuẫn chính trong nền chính trị thế giới. Các mâu thuẫn khác, đang và sẽ xuất hiện, đây đó, như ở Afghanistan, Iran hay Syria, đều có tính chất cục bộ. Chỉ có mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc là thực sự có tính chất toàn cầu. Như mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh lạnh.

Cũng như mọi mâu thuẫn khác, mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc có hai khả năng phát triển: một, hòa giải hoặc kiềm chế trong hòa bình; và hai, bùng nổ thành xung đột hoặc trong lãnh vực kinh tế và chính trị, hoặc trong lãnh vực quân sự. Trong lãnh vực quân sự, có hai mức độ: một cách toàn diện, thành chiến tranh giữa hai nước và cùng với họ, các đồng minh của mỗi bên; hoặc, một cách cục bộ, ở một số điểm nóng nào đó. Cũng giống thời Chiến tranh lạnh.

Xin lưu ý, ngay từ đầu nhiệm kỳ thứ nhất, vào năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chọn giải quyết mâu thuẫn một cách hoà bình bằng cách đề nghị thành lập “Nhóm 2” (G-2, Group of Two), chỉ bao gồm Mỹ và Trung Quốc, như một hình thức song song với “Nhóm 8” (G-8) (vốn bao gồm tám quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới: Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, Canada và Nga) và “Nhóm 20” (G-20) mới hình thành (ngoài tám nước trên, thêm: Nam Phi, Mexico, Brazil, Argentina, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Úc và Cộng đồng Âu châu). So với hai nhóm (G-8 và G-20) trong hiện tại, nhóm G-2, dù muốn hay không, cũng có vị thế cao hơn hẳn.

Bằng đề nghị ấy, Tổng thống Obama thừa nhận vai trò siêu cường đặc biệt của Trung Quốc, muốn có những cuộc đối thoại bình đẳng với Trung Quốc, hình thành một thế giới lưỡng cực và hy vọng các cuộc đối thoại ấy sẽ hóa giải các tranh chấp giữa hai quốc gia có hai nền kinh tế và hai nền quốc phòng lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, lúc ấy, Trung Quốc có thể vì đang bận tâm với việc chuyển giao quyền lực, chuẩn bị cho kỳ đại hội đảng lần thứ 18 (được tổ chức vào tháng 11, 2012), và cũng có thể vì nghi kỵ Mỹ, nên hờ hững với lời đề nghị ấy. Thiện chí hòa giải của Obama coi như thất bại. Hơn nữa, dường như ông xem đó là một tín hiệu về quyết tâm tranh chấp của Trung Quốc, nên ở năm cuối của nhiệm kỳ thứ nhất, ông chọn một chính sách khác hẳn: Trở lại châu Á để kiềm chế Trung Quốc, chủ yếu về phương diện chính trị và quân sự.

Ở đây, có hai điểm cần nhấn mạnh:

Thứ nhất, một cách chính thức, chính phủ Mỹ không bao giờ nói như vậy cả. Họ không dùng chữ “kiềm chế” (contain). Không những không dùng, họ còn phủ nhận điều đó khi bị Trung Quốc phản đối. Tuy nhiên, ở đây, ai cũng biết có những khác biệt rất lớn và vô cùng sâu sắc giữa ngôn ngữ ngoại giao và thực tế.

Thứ hai, đây chính là sự khác biệt lớn nhất giữa mâu thuẫn hiện nay và các mâu thuẫn thời Chiến tranh lạnh. Trước, thời Chiến tranh lạnh, Mỹ kiềm chế Liên Xô trên cả ba lãnh vực, ngoài chính trị và quân sự, còn có cả kinh tế: giữa hai nước, cũng như giữa hai khối tư bản và cộng sản, không có quan hệ gì về kinh tế đáng kể. Nay thì khác. Quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn hoạt động bình thường, thậm chí, trên cả mức bình thường với hiện tượng các công ty của Mỹ vẫn ào ào chạy đến Trung Quốc và hàng hóa cũng như tiền bạc của Trung Quốc vẫn cứ ào ào đổ ngược vào Mỹ. Chính mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế này sẽ giới hạn cũng như sẽ làm biến dạng các xung đột về chính trị và quân sự nếu có.

Trước mắt, Mỹ tiến hành biện pháp kiềm chế Trung Quốc trong hai lãnh vực chính trị và quân sự bằng hai biện pháp chính:

Thứ nhất, họ thay đổi cấu trúc quân sự ở tầm vĩ mô: Trước, các chiến hạm của Mỹ được phân bố đồng đều 50/50 trên hai vùng Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Nay, họ chuẩn bị để đến năm 2020, tỉ lệ ấy sẽ là 60/40, nghiêng về phía Thái Bình Dương. Song song với việc tái phối trí các chiến hạm ấy, Mỹ cũng tìm cách thiết lập các căn cứ quân sự ở một số nước thuộc châu Á - Thái Bình Dương để sẵn sàng cho một trận chiến quyết liệt với Trung Quốc.

Thứ hai, Mỹ cũng ráo riết củng cố và phát triển quan hệ quân sự với các đồng minh cũ cũng như tìm kiếm các đồng minh mới trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kể cả các đảo quốc nhỏ nhoi và xa xôi như Solomon Islands. Nhưng mục tiêu quan trọng nhất của Mỹ vẫn là các quốc gia gần với Trung Quốc nhất như Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Singapore, Myanmar và Việt Nam.

Cả hai biện pháp này vừa mới manh nha, không thể biết được là chúng thành công hay thất bại. Tương lai của vùng châu Á - Thái Bình Dương và từ đó, của cả thế giới, tùy thuộc vào Trung Quốc và tình hình chính trị trong khu vực. Ở Trung Quốc, có hai yếu tố chính có vai trò quyết định đến chính sách của họ đối với Mỹ: Một, thái độ của giới cầm quyền, hoặc nhân nhượng hoặc quyết liệt đối đầu; hoặc dừng lại ở vị thế một siêu cường về kinh tế hoặc muốn đóng vai siêu cường về cả kinh tế lẫn quân sự; hoặc muốn duy trì một thế giới song cực hoặc muốn hình thành một trật tự mới ở đó Trung Quốc sẽ là siêu cường số một, thay thế vị trí của Mỹ hiện nay. Hai, xu hướng dân chủ hóa làm thay đổi thể chế chính trị ở Trung Quốc để biến Trung Quốc thành một quốc gia dân chủ, tôn trọng nhân quyền, biết chia sẻ các bảng giá trị chung của nhân loại, từ đó, có thể chung sống một cách hoà bình với thế giới. Ở khu vực, các tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước khác, từ Nhật Bản đến Philippines và Việt Nam cũng có thể làm thay đổi bàn cờ chính trị của Trung Quốc và Mỹ. Đó là chưa kể đến việc Mỹ có vượt qua khỏi các cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay hay không.

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến cả thế giới. Nhưng nước chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất có lẽ là Việt Nam.

Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Việt Nam rất dễ có nguy cơ trở thành một tiền đồn. Như thời Chiến tranh lạnh. Mảnh đất có hình chữ S, như một người đàn bà gầy guộc oằn người dưới hai gánh nặng ở hai đầu, sẽ có nguy cơ lại đẫm đầy máu và nước mắt. Như thời Chiến tranh lạnh.

Trong trường hợp Mỹ và Trung Quốc cố gắng thu xếp các tranh chấp một cách hòa bình, Việt Nam cũng có nguy cơ trở thành một món hàng để hai bên trả giá và đổi chác với nhau. Lại cũng giống thời Chiến tranh lạnh.

Ngày xưa, người ta hay nói Việt Nam may mắn có một vị trí thật tuyệt vời để có thể đón nhận được nhiều luồng văn minh trên thế giới. Nay, mới thấy nhận định và niềm tự hào ấy hoàn toàn sai.

Từ góc độ địa-chính trị, Việt Nam là một túi thuốc nổ. Với một viễn ảnh rất đáng lo.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG