Lãnh đạo Hoa Kỳ và lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương đạt được Tuyên bố chín điểm về Quan hệ Đối tác Hoa Kỳ-Thái Bình Dương trong thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ với các đảo quốc này do Washington tổ chức.
Hoa Kỳ sắp công bố hơn 810 triệu đô la trong các chương trình mở rộng để hỗ trợ các đảo quốc Thái Bình Dương khi hội nghị thượng đỉnh lịch sử bước sang ngày thứ nhì. Theo một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ, Washington đã cung cấp tới 1,5 tỷ đô để hỗ trợ các đảo quốc ở Thái Bình Dương trong thập kỷ qua.
Hoa Kỳ cũng cam kết công nhận Quần đảo Cook và Niue là các quốc gia có chủ quyền, sau các cuộc tham vấn thích hợp. Trong khi cả Quần đảo Cook và Niue đều có độc lập hiến định hoàn toàn khỏi New Zealand và hoạt động như các quốc gia độc lập, Mỹ coi đó là các lãnh thổ tự quản và chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ chỉ định một đặc sứ đầu tiên của Mỹ cho Diễn đàn các quần đảo Thái Bình Dương trong khu vực. Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) sẽ tái lập sứ mệnh tại Suva, Fiji trước tháng 9 năm sau.
Kế hoạch của Washington nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao với Thái Bình Dương được đưa ra trong lúc lo ngại gia tăng về việc Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng trong khu vực.
Trước đó, Quần đảo Solomon nói họ sẽ không ký một tuyên bố chung trong cuộc họp cấp cao với Mỹ, chỉ 5 tháng sau khi họ ký một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc.
Trong số các sáng kiến mới được liệt kê trong thỏa thuận Đối tác Hoa Kỳ - Thái Bình Dương, Washington sẽ đầu tư 20 triệu đô la để thúc đẩy du lịch và giảm nghèo ở Quần đảo Solomon.
Theo thỏa thuận mới, Hoa Kỳ sẽ khởi động một cuộc đối thoại thương mại và đầu tư mới với các quốc đảo Thái Bình Dương, tăng cường an ninh hàng hải, cũng như cung cấp tới 3,5 triệu đô la trong 5 năm để cải thiện kết nối internet của khu vực và hỗ trợ an ninh mạng.
Quần đảo Marshall, Palau và Micronesia được gọi là các Quốc gia Liên kết Tự do (FAS) đã ký các hiệp ước với Hoa Kỳ. Các thỏa thuận hiện tại hết hạn vào tháng 9 năm sau đối với Quần đảo Marshall và Micronesia, và với Palau thì hết hạn vào năm sau nữa.
Theo các hiệp ước sắp hết hạn được gọi là Hiệp ước Liên kết Tự do, ba quốc đảo Thái Bình Dương này nhận được viện trợ không hoàn lại và đảm bảo an ninh từ chính phủ Hoa Kỳ. Công dân của FAS có thể sống và làm việc tại Hoa Kỳ mà không cần thị thực.
Đổi lại, Hoa Kỳ có quyền xây dựng các căn cứ quân sự tại ba quốc đảo này và có thể khước từ quyền tiếp cận của nước ngoài đối với vùng biển, không phận và đất liền của ba quốc đảo đó.
Hoa Kỳ dự kiến việc đàm phán cho ba thỏa thuận mới sẽ chung quyết vào cuối năm nay.
Diễn đàn