Gần như tất cả các ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ hiện nay là ở những người không tiêm ngừa, theo một phân tích của AP. Điều này minh chứng cho sự hiệu nghiệm của vaccine và cho thấy số ca tử vong mỗi ngày - hiện dưới 300 - có thể ở mức 0 nếu tất cả mọi người đủ tiêu chuẩn đều được chủng ngừa, hãng tin này nhận định.
Phân tích, được thực hiện dựa trên số liệu có sẵn của chính phủ từ tháng 5, cho thấy số ca nhiễm “đột phá” - tức là đã tiêm ngừa nhưng vẫn nhiễm virus corona - ở những người được tiêm chủng đầy đủ chiếm ít hơn 1.200 ca trong số hơn 853.000 ca nhập viện vì COVID-19. Tỉ lệ này là khoảng 0,1%.
Chỉ khoảng 150 trong số hơn 18.000 ca tử vong do COVID-19 trong tháng 5 là ở những người đã được tiêm ngừa đầy đủ, tương đương khoảng 0,8%.
AP cho biết họ phân tích số liệu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cung cấp. Bản thân CDC cũng chưa ước tính được số người đã tiêm ngừa đầy đủ chiếm bao nhiêu phần trăm trong số những ca nhập viện và tử vong, nói rằng có những hạn chế về số liệu.
Trong số này: Chỉ có khoảng 45 bang báo cáo các trường hợp nhiễm bệnh “đột phá”, và một số bang ráo riết tìm kiếm những trường hợp như vậy hơn những bang khác. Vì vậy số liệu có thể không cho thấy hết những trường hợp lây nhiễm đó, các quan chức CDC nói.
Tuy nhiên, xu hướng tổng thể hiện ra từ số liệu tương tự như điều mà nhiều nhà chức trách y tế khắp nước Mỹ đang chứng kiến và điều mà các chuyên gia hàng đầu đang nói, theo AP.
Đầu tháng này, Andy Slavitt, một cựu cố vấn của chính quyền Biden về COVID-19, nói 98% đến 99% người Mỹ chết vì virus corrona là những người chưa được chủng ngừa.
Giám đốc CDC, Bác sĩ Rochelle Walensky hôm 22/6 nói rằng vaccine hữu hiệu đến mức “gần như mọi trường hợp tử vong, đặc biệt là ở người lớn, do COVID-19, tại thời điểm này, hoàn toàn có thể ngăn ngừa được.” Bà gọi những cái chết như vậy là “đặc biệt bi thảm.”
Số người chết ở Mỹ đã giảm mạnh từ mức đỉnh điểm trung bình hơn 3.400 người một ngày vào giữa tháng 1, một tháng sau khi chiến dịch chủng ngừa khởi động.
Khoảng 63% tất cả những người Mỹ đủ điều kiện tiêm vaccine - những người từ 12 tuổi trở lên - đã được tiêm ít nhất một liều và 53% được tiêm đầy đủ, theo CDC. Trong khi vaccine còn khan hiếm ở hầu hết khắp thế giới, nguồn cung của Mỹ thừa thãi và nhu cầu sụt giảm mạnh đến mức các mũi tiêm nằm trơ không được dùng tới.
Sự hoài nghi về tác động của vaccine là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người tỏ ra lưỡng lự với việc chích ngừa, theo bác sĩ Nguyễn Đông Châu, một chuyên gia về nội thương và tim mạch thuộc hệ thống bệnh viện Houston Methodist ở bang Texas, nói.
Ông cho biết trong số khoảng 30 bệnh nhân trên 65 tuổi được ông khám trong ngày 25/6, có khoảng sáu người vẫn chưa chích ngừa dù họ nằm trong nhóm tuổi được ưu tiên thứ nhất.
“Họ cứ nghe những chi tiết là vaccine này chỉ được [Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm] chấp thuận cho sử dụng khẩn cấp chứ chưa được chấp thuận hoàn toàn nên người ta nghĩ thuốc này làm quá nhanh, người ta không tin tưởng được, có thể sự nguy hiểm rất là cao,” bác sĩ Châu nói.
“Thứ nhì, một số lại nói là người ta cứ ở nhà người ta sẽ không bị bệnh. Một năm qua người ta không bị bệnh thì bây giờ làm y như vậy thì cũng không bị bệnh, người ta cũng không chịu chích. Rồi một số khác thì người ta không tin tưởng thuốc vì ngày xưa cũng có một thời gian chính phủ Mỹ đã dùng người bệnh để thí nghiệm thuốc, nhất là những người dân gốc Phi châu.”
Bác sĩ Châu nhận định sự hoài nghi của nhiều người đã trở nên nặng nề hơn vì sự chia rẽ chính trị trầm trọng suốt hơn một năm qua, với các chính trị gia thuộc cả hai đảng phái sử dụng khoa học để đả kích đối thủ và cách thức xử lý khủng hoảng.
Chuyên gia y khoa đề xuất một giải pháp để gia tăng hơn nữa số người tiêm ngừa ở Mỹ: giao vaccine cho các bác sĩ gia đình để họ tiêm chủng, vì người dân có khuynh hướng nghe theo lời khuyên từ bác sĩ của chính họ thay vì từ các quan chức chính phủ.
“Nếu mà tạo cơ hội cho người bệnh đi khám bệnh trở lại, gặp bác sĩ trở lại, đưa vaccine cho bác sĩ để họ dự trữ và chích cho người bệnh thì tôi nghĩ sẽ được nhiều hơn,” bác sĩ Châu nói.
“Từ một năm nay, rất là ít người bác sĩ có được thuốc để tự mình chích cho người bệnh. Mình có thuốc thì mình sẽ khuyên người bệnh chích.”
Mỹ đã tiêm 321.199.379 liều vaccine COVID-19 trong nước tính đến sáng 25/6, và đã phân phối 380.222.670 liều, CDC cho biết.
Vẫn theo CDC, 178.491.147 người đã được tiêm ít nhất một liều, trong khi 151.615.554 người đã được tiêm chủng đầy đủ tính đến 25/6.
Số liệu của CDC bao gồm vaccine hai liều của Moderna và Pfizer/BioNTech, cũng như vaccine một liều của Johnson & Johnson, tính tới 6 giờ sáng ngày 25/6 (giờ miền Đông Hoa Kỳ).
Bài viết dựa trên một số thông tin do AP cung cấp.