Hôm 30/10, một cáo trạng của Hoa Kỳ vừa được công bố cáo buộc các quan chức tình báo Trung Quốc toa rập với tin tặc và đồng lõa trong công ty để đột nhập vào hệ thống máy tính của công ty tư nhân và ăn cắp thông tin về động cơ quạt turbo dùng cho các máy bay phản lực thương mại.
Theo bản cáo trạng thì tại thời điểm xảy ra vụ đánh cắp thông tin, một công ty hàng không vũ trụ do nhà nước Trung Quốc sở hữu đang chế tạo một động cơ sử dụng trong máy bay sản xuất tại Trung Quốc và các nước khác.
Các máy bay phản lực của Trung Quốc, gồm máy bay C919 và ARJ21, hiện đang sử dụng động cơ do nước ngoài sản xuất nhưng Trung Quốc đang tìm cách chế tạo một động cơ nội địa có thể thay thế động cơ nhập từ nước ngoài.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tung ra cáo trạng cáo buộc 10 người đã ăn cắp dữ liệu nhạy cảm “có thể được sử dụng bởi các thực thể Trung Quốc để chế tạo một động cơ tương tự mà không phải chi ra những chi phí đáng kể cho nghiên cứu và phát triển.”
Theo bản cáo trạng, hơn một chục công ty đã trở thành mục tiêu của các vụ tấn công tin tặc, nhưng cáo trạng chỉ nêu tên công ty Capstone Turbine Corp., một doanh nghiệp chế tạo động cơ turbine khí có trụ sở đặt ở bang California, Hoa Kỳ.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết trong số những công ty bị ăn cắp dữ liệu có Safran SA, một công ty Pháp có liên doanh sản xuất động cơ phản lực cánh quạt với công ty GE của Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói những cáo buộc đó là vô căn cứ.
Ông nói: “Các cáo buộc có liên quan chỉ là hư cấu và hoàn toàn bịa đặt.”
Vào tháng 10, Bộ Tư pháp Mỹ loan báo đã bắt giữ một điệp viên làm việc cho Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc về tội gián điệp kinh tế và âm mưu ăn cắp bí mật thương mại của một số công ty hàng không và không gian Hoa Kỳ.