Nhà chức trách Hoa Kỳ ngày 6/6 truy tố doanh nhân người Nga Roman Abramovich về tội xuất khẩu hai máy bay xuất xứ từ Mỹ sang Nga mà không có giấy phép, thể theo chế tài Mỹ đối với Nga vì cuộc xâm lược Ukraine.
Cùng ngày, một tòa án Mỹ ban hành trát tịch thu hai máy bay hạng sang thuộc sở hữu của ông Abramovich.
Nhưng khả năng chính phủ Mỹ giành được quyền kiểm soát chiếc máy bay trị giá gần 400 triệu đô là không chắc chắn.
Một quan chức Bộ Tư pháp cho biết chiếc Boeing 787 Dreamliner trị giá 350 triệu đô la và chiếc Gulfstream G650 ER trị giá 60 triệu đô la hiện chưa bị Hoa Kỳ câu lưu và quan chức này từ chối cho biết là chính phủ Mỹ có biết hiện giờ hai chiếc máy bay này đang ở đâu hay không.
Một thẩm phán liên bang ở Manhattan đã ban hành lệnh thu giữ vừa kể với lý do các chuyến bay gần đây vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ ban hành sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine hồi tháng Hai. Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đệ trình các đơn kiện hành chính liên quan đối với ông Abramovich.
Nhà chức trách Mỹ đang tìm cách gây áp lực với các lãnh đạo doanh nghiệp thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin để khiến ông này dừng điều mà Điện Kremlin gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Một phát ngôn viên của ông Abramovich không hồi đáp yêu cầu bình luận. Tỷ phú Abramovich phủ nhận có quan hệ mật thiết với ông Putin.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết chiếc Gulfstream bay từ Istanbul đến Moscow ngày 12/3, rời Tel Aviv vào ngày hôm sau và bay từ Istanbul đến Moscow vào ngày 15/3. Chiếc Boeing đã bay từ Dubai đến Moscow hôm 14/3.
Vì những chiếc máy bay này do Mỹ sản xuất và các chuyến bay diễn ra sau khi các hạn chế xuất khẩu có hiệu lực, nên ông Abramovich, một công dân Nga, phải có giấy phép của Bộ Thương mại Mỹ mới để máy bay được bay đến Nga. Bộ không nhận được đơn xin giấy phép và chính sách của Bộ là sẽ bác các đơn xin như vậy.
Bộ có thể tìm cách phạt ông Abramovich tới 328.121 đô la cho mỗi chuyến bay không có giấy phép, tức gần 1 triệu đô cho ba chuyến bay vừa kể, cùng các hình phạt khác.
“Các nhà tài phiệt Nga như Abramovich sẽ không được phép vi phạm các quy định xuất khẩu của Hoa Kỳ mà không lãnh hậu quả”, quan chức thương mại John Sonderman nói.
Vào tháng 3, Bộ thương mại Mỹ buộc nằm ụ chiếc Gulfstream của ông Abramovich cùng với 99 chiếc máy bay gần đây đã đến Nga vì bị cáo buộc vi phạm kiểm soát xuất khẩu.
Theo các công tố viên, ông Abramovich sở hữu cả hai chiếc máy bay này thông qua một loạt công ty vỏ bọc được đăng ký tại Cyprus, Jersey, và Quần đảo Virgin thuộc Anh. Vào tháng 2, ông đã tái cơ cấu quyền sở hữu để biến các con của mình thành những người được thụ hưởng từ quỹ tín thác sở hữu cả hai chiếc máy bay.
Nhưng ông vẫn tiếp tục sở hữu và điều khiển các máy bay này khi chúng bay đến Moscow vào tháng 3, theo Bộ Thương mại.
Bản thân ông Abramovich, người đã giúp dàn xếp các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kyiv trong những ngày đầu của cuộc chiến, không bị Hoa Kỳ trừng phạt nhưng bị Liên hiệp Châu Âu và Anh trừng phạt.