Đường dẫn truy cập

Mỹ truy tố 13 người Nga can thiệp bầu cử 2016 nhằm ủng hộ Trump


Cáo trạng công bố hôm thứ Sáu bởi văn phòng của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller nói các bị cáo đã nỗ lực hỗ trợ ban vận động tranh cử tổng thống của Donald Trump và dè bỉu Hillary Clinton.
Cáo trạng công bố hôm thứ Sáu bởi văn phòng của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller nói các bị cáo đã nỗ lực hỗ trợ ban vận động tranh cử tổng thống của Donald Trump và dè bỉu Hillary Clinton.

Một cơ quan Internet của Nga và 13 người Nga đã can thiệp vào chiến dịch bầu cử năm 2016 ở Mỹ trong một nỗ lực nhiều mũi nhọn nhằm ủng hộ Donald Trump và dè bỉu đối thủ Hillary Clinton, Công tố viên Đặc biệt Hoa Kỳ nói trong một bản cáo trạng công bố hôm thứ Sáu.

Các cáo buộc được công bố bởi văn phòng của ông Robert Mueller mô tả một âm mưu khởi sự vào năm 2014 nhằm phá hoại cuộc bầu cử ở Mỹ được thực hiện bởi những người giả danh trên mạng để thúc đẩy những thông điệp mang tính chia rẽ. Những người này cũng đi đến Mỹ để thu thập tình báo và tổ chức các cuộc tập hợp chính trị trong khi giả dạng làm người Mỹ.

Cơ quan Nghiên cứu Internet của Nga "đã có một mục tiêu chiến lược là gieo rắc mâu thuẫn trong hệ thống chính trị của Mỹ, bao gồm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016."

Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein nói với các phóng viên khi loan báo những cáo buộc rằng cuộc điều tra vẫn chưa kết thúc.

"Các Bị cáo đăng những thông tin có tính miệt thị về một số ứng cử viên, và từ đầu đến giữa năm 2016, các hoạt động của các Bị cáo bao gồm hỗ trợ ban vận động tranh cử tổng thống của ứng cử viên Donald J. Trump ... và dè bỉu Hillary Clinton."

Bản cáo trạng này không đưa ra câu trả lời cho câu hỏi liệu ban vận động tranh cử của ông Trump có thông đồng với Điện Kremlin hay không, vấn đề mà ông Mueller đang điều tra.

Trong một dòng tweet đăng hôm thứ Sáu, ông Trump đưa ra sự thừa nhận trực tiếp nhất rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử, điều mà ông thường xuyên bác bỏ.

"Nga đã bắt đầu chiến dịch chống Mỹ vào năm 2014, rất lâu trước khi tôi tuyên bố ra tranh cử tổng thống. Kết quả của cuộc bầu cử không bị ảnh hưởng. Ban vận động Trump không làm gì sai trái - không có sự thông đồng!" ông Trump viết.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi các cáo buộc công dân Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ là "vớ vẩn" và chế giễu ý tưởng rằng ít người như vậy có thể làm suy yếu nền dân chủ Mỹ.

"13 người chống lại ngân sách hàng tỉ của giới tình báo?" bà viết trên Facebook.

Những người Nga bị buộc tội có phần chắc sẽ không bị đưa ra tòa tại Mỹ về các cáo buộc này, bao gồm âm mưu lừa đảo Hoa Kỳ, gian lận viễn thông, gian lận ngân hàng và đánh cắp danh tính.

Bản cáo trạng phần lớn nhất quán với những kết luận của một thẩm định của cộng đồng tình báo Mỹ vào tháng 1 năm 2017, xác định Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử, và rằng mục tiêu của Nga cuối cùng bao gồm việc trợ giúp ông Trump. Vào tháng 11 năm 2016, ứng cử viên Đảng Cộng hòa này giành chiến thắng bất ngờ về số phiếu cử tri đoàn trước đối thủ Đảng Dân chủ Hillary Clinton, người thắng số phiếu bầu phổ thông.

Ông Trump chưa bao giờ chấp nhận một cách rõ ràng bản báo cáo tình báo này và đã lên án cuộc điều tra của ông Mueller về việc liệu ban vận động của ông có thông đồng với Điện Kremlin hay không là một cuộc "săn phù thủy" (ý nói bức hại về chính trị).

Một số trong số những người bị buộc tội, từng giả dạng làm người Mỹ, đã liên lạc với những cá nhân có liên hệ với ban vận động của ông Trump mà không hay biết những người này là người Nga, bản cáo trạng nói. Năm ngoái, hai cựu phụ tá ban vận động của ông Trump đã nhận tội khai man với FBI - những cáo buộc do văn phòng của ông Mueller đưa ra.

Bản cáo trạng nêu đích danh Cơ quan Nghiên cứu Internet, có trụ sở tại thành phố St. Petersburg của Nga, 13 công dân Nga và hai công ty khác.

Bản cáo trạng mô tả một hoạt động tinh vi, kéo dài nhiều năm và được tài trợ dồi dào, được gọi là "Dự án Lakhta," của các thực thể Nga nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử mà bắt đầu khá sớm từ tháng 5 năm 2014.

Nó cho thấy mức độ tinh vi và sự hoạch định kỹ càng hơn nhiều so với những gì từng biết trước đây đằng sau những nỗ lực được nói là của Moscow nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử.

Bản cáo trạng nói rằng những người Nga này đã sử dụng bất hợp pháp số an sinh xã hội bị đánh cắp và ngày sinh của người Mỹ để mở các tài khoản trên nền tảng thanh toán kỹ thuật số PayPal và đăng lên mạng xã hội sử dụng danh tính giả.

Một số quảng cáo chính trị mà Nga đăng lên Facebook có nội dung ca ngợi ông Trump và miệt thị Hillary Clinton
Một số quảng cáo chính trị mà Nga đăng lên Facebook có nội dung ca ngợi ông Trump và miệt thị Hillary Clinton

Bản cáo trạng nói các bị cáo và những người khác đã bắt đầu sản xuất, mua và đăng các quảng cáo chính trị lên mạng xã hội ở Mỹ.

Những quảng cáo này bao gồm những nội dung như "Tôi nói không với Hillary Clinton/Tôi nói không với sự thao túng," "Hãy tham gia #HillaryClintonForPrison2016 của chúng tôi," "Donald muốn đánh bại khủng bố. . . Hillary muốn bảo trợ khủng bố," và "Trump là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta cho một tương lai tốt đẹp hơn."

Facebook và Twitter, các công ty mạng xã hội có nền tảng được sử dụng để phát tán những nội dung này, đều từ chối bình luận về bản cáo trạng.

Người Nga cũng tìm cách đo lường tác động của các hoạt động trên mạng xã hội của họ, theo dõi số lượng khán giả ở Mỹ đạt được thông qua những nội dung đăng tải và các hình thức tương tác khác, như số lượt thích (likes), bình luận và lượt đăng lại, theo bản cáo trạng.

Cơ quan Nghiên cứu Internet được đăng ký với chính phủ Nga trong tư cách là một doanh nghiệp vào tháng 7 năm 2013 và địa điểm St. Petersburg "trở thành một trong những trung tâm hoạt động của tổ chức này" mà thông qua đó các bị cáo và những người khác "thực hiện các hoạt động can thiệp vào hệ thống của Mỹ," bao gồm cuộc bầu cử tổng thống, bản cáo trạng nói.

Tổ chức này đã thuê mướn hàng trăm người, từ những người tạo ra những nhân vật hư cấu cho đến các chuyên gia kỹ thuật, và tới tháng 9 năm 2016 ngân sách của họ đã vượt quá 1,2 triệu đôla, văn kiện tòa án cho biết.

VOA Express

XS
SM
MD
LG