Đường dẫn truy cập

Mỹ tiếp tục răn đe Trung Quốc ở Thái Bình Dương


Một chiếc B-52H của Không Quân Hoa Kỳ.
Một chiếc B-52H của Không Quân Hoa Kỳ.

Bốn oanh tạc cơ loại B-52H của Không đoàn 96, trú đóng tại căn cứ không quân Barksdale ở tiểu bang Loiusiana (một tiểu bang ở miền Nam nước Mỹ) vừa được điều động đến căn cứ không quân Andersen ở Guam (một hòn đảo thuộc Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương).

Không quân Mỹ cho biết việc thành lập phi đoàn đặc nhiệm (Task Force) với bốn oanh tạc cơ và khoảng 200 quân nhân vừa kể, gửi phi đoàn này đến Guam nhằm gia tăng mức độ răn đe chiến lược để củng cố trật tự mà luật pháp quốc tế đã xác lập ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Cả bốn oanh tạc cơ này đều đã đến Guam vào ngày 26 tháng 1.

Task Force với bốn B-52H đến Guam một ngày trước khi Trung Quốc cấm các phương tiện hàng hải lưu thông ở Vịnh Bắc bộ để tập trận (từ 27 tháng 1 đến 30 tháng 1) và năm ngày trước khi Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc (cho phép hải cảnh Trung Quốc kiểm tra, bắt giữ, tiêu diệt tất cả các phương tiện hàng hải qua lại, phá hủy các công trình tại những vùng biển mà Trung Quốc bảo là… của Trung Quốc) có hiệu lực thực thi (1 tháng 2 năm 2021).

Stars and Stripes – một tờ báo của quân đội Mỹ - nhấn manh: Từ Guam, các B-52H có thể dễ dàng tiếp cận biển Đông, nơi mà cả Mỹ lẫn Trung Quốc cùng muốn khẳng định sức mạnh quân sự, nơi mà cách nay nửa năm, Bộ Ngoại giao Mỹ đã từng lên tiếng bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền trên các đảo, các bãi đá ở vùng biển này.

Năm 2018, Không quân Mỹ quyết định chấm dứt việc duy trì các phi đoàn oanh tạc thường trực ở Guam vốn đã kéo dài suốt 15 năm. Quyết định này dựa trên Chiến lược Quốc phòng mới của Mỹ - điều chỉnh sự phân bổ lực lượng để đối phó với những tình huống không thể dự đoán.

Tuy nhiên từ đó đến nay, Không quân Mỹ liên tục điều động nhiều phi đoàn điều khiển các loại oanh tạc cơ khác nhau (B-1 Lancer, B-2 Spirit) luân phiên đồn trú tại Guam. Phi đoàn B-52 gần nhất từng được điều động đến Guam là những quân nhân thuộc Không đoàn 9 Viễn chinh, trú đóng ở căn cứ không quân Dyess ở tiểu bang Texas.

Theo Không quân Mỹ, sở dĩ phải luân chuyển các phi đoàn oanh tạc đến Guam, duy trì sức mạnh về không lực ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương vì mức độ căng thẳng tại khu vực này gia tăng: Ở phía Tây của Thái Bình Dương, Trung Quốc tìm nhiều cách để xác lập chủ quyền tại biển Đông, Mỹ kháng cự vì muốn bảo vệ quyền tự do lưu thông ở đó. Chưa kể cũng vì muốn khẳng định chủ quyền tại những nơi khác trong khu vực, Trung Quốc liên tục khiêu khích Nhật, Đài Loan.

Không quân Mỹ chỉ thông báo chung chung: Nhiệm vụ của các phi đoàn oanh tạc là chứng minh mức độ khả tín về khả năng của Không quân Mỹ trong môi trường đa dạng và phức tạp của an ninh toàn cầu. Tất cả các phi đoàn phải làm quen để có thể hoạt động ở các khu vực khác nhau.

Giống như các phi đoàn đã được điều động đến Guam trong thời gian vừa qua, phi đoàn oanh tạc vừa được gửi đến Guam sẽ tham gia tập luyện và hỗ trợ các lực lượng khác của quân đội Mỹ, cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, chẳng hạn Không quân của lực lượng phòng vệ Nhật (*) .

Chú thích

(*) https://www.stripes.com/news/pacific/air-force-deploys-four-b-52-bombers-to-guam-for-strategic-deterrence-mission-1.660532

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG